Iran tuyên bố sẽ thả thủy thủ tàu Stena Impero của Anh

Iran tuyên bố sẽ phóng thích bảy thành viên phi hành đoàn của một tàu chở dầu mang cờ Anh bị bắt ở eo biển Hormuz vào tháng 7, trong bối cảnh tổng thống của đất nước này đưa ra cho châu Âu thời hạn hai tháng để cứu thỏa thuận hạt nhân, báo The Guardian đưa tin.

Bảy người, là một phần của nhóm thủy thủ đoàn gồm 23 thành viên, gồm các công dân Ấn Độ, Nga, Latvia và Philippines, được phép rời tàu chở dầu Stena Impero trên cơ sở nhân đạo và sẽ sớm rời khỏi Iran, truyền hình nhà nước Iran đưa tin. Chủ tàu cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ xác nhận chính thức nào.

"Chúng tôi không có vấn đề gì với thủy thủ đoàn và thuyền trưởng, vấn đề là chiếc tàu đã vi phạm quy tắc", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói với đài truyền hình.

Tàu chở dầu mang cờ Anh "Stena Impero" ở gần eo biển Hormuz. Ảnh: AY

Tàu Stena Impero đã bị lực lượng Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ vào ngày 19-7, hai tuần sau khi Anh bắt một tàu chở dầu Iran ngoài khơi Gibraltar. Tuy nhiên, chiếc tàu này đã được Anh thả hồi tháng trước.  

Ông Erik Hanell, Chủ tịch và giám đốc điều hành của Stena Impero, cho biết hiện vẫn chưa nhận được thông tinh chính thức. 16 thành viên thủy thủ đoàn còn lại sẽ vẫn ở trên tàu để vận hành tàu một cách an toàn.

"Chúng tôi rất vui vì bảy thành viên thủy thủ đoàn sắp được thả, thử thách của họ có thể sớm kết thúc và họ có thể trở về với gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi thận trọng chờ xác nhận chính thức về ngày họ sẽ khởi hành. Chúng tôi xem thông tin liên lạc này là một bước đi tích cực trên con đường giải phóng tất cả các thủy thủ đoàn còn lại, vốn luôn là mối quan tâm hàng đầu và trọng tâm của chúng tôi", ông Hanell nhấn mạnh.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra cho châu Âu thời hạn hai tháng để cứu thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), nếu không Tehran sẽ tiếp tục giảm bớt việc tuân thủ các cam kết của thỏa thuận này.

Trước đó, Pháp đề xuất cung cấp mức tín dụng khoảng 15 tỉ USD nếu Tehran tuân thủ hoàn toàn JCPOA. Động thái này giúp Iran giảm được tác động trừng phạt của Mỹ, vốn nhằm vào lĩnh vực dầu khí và tài chính.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm 4-9 xác nhận nước này sẽ tiếp tục tuân thủ JCPOA nếu các nước Liên minh châu Âu tiếp tục mua dầu của Iran hoặc cung cấp một hạn mức tín dụng phù hợp.

Cho đến nay, Iran đã dần rút khỏi các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân ở hai khía cạnh: Tăng dự trữ uranium và tuyên bố sẽ làm giàu uranium vượt quá giới hạn 3,67%. Bước tiếp theo được cho là tập trung vào nghiên cứu và phát triển. Đây sẽ là bước quan trọng nhất và nó sẽ có những tác động to lớn, theo ông Rouhani.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm