Indonesia: ASEAN cần cử đặc phái viên tới Myanmar 'ngay lập tức'

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi kêu gọi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngay lập tức cử đặc phái viên tới Myanmar, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 24-4, lãnh đạo 10 nước ASEAN đã thống nhất tuyên bố chung năm điểm về vấn đề Myanmar. Theo đó, ASEAN sẽ cử một đặc phái viên để thúc đẩy đàm phán giữa các bên ở Myanmar và đại diện này được phép đến Myanmar. Tuy nhiên, trong hơn một tháng qua, ASEAN chưa có hành động rõ ràng nào để thực hiện tuyên bố chung trên.

Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Jakarta (Indonesia) hôm 2-6, bà Retno nói: “Việc bổ nhiệm một đặc phái viên phải được thực hiện ngay lập tức và liên lạc với tất cả các bên phải được duy trì”. 

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: THECOURIER.COM.AU

Bà Retno cho rằng đối thoại nên được khuyến khích để giải quyết các vấn đề hiện tại ở Myanmar, khôi phục nền dân chủ “phù hợp với ý chí của người dân Myanmar”.

Trước đó, một số nguồn tin từ ASEAN hôm 1-6 tiết lộ với Reuters rằng Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Bộ trưởng (thứ hai) Bộ Ngoại giao Brunei, ông Dato Erywan Pehin Yusof có kế hoạch gặp các lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar trong tuần này. Brunei hiện là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Các nguồn tin của Reuters lưu ý rằng kế hoạch cuộc gặp vẫn có thể bị hủy bỏ nếu phát sinh vấn đề vào phút chót. Thông tin này chưa được các quan chức Brunei, Myanmar và ASEAN xác nhận.

Một trong số các lý do khiến ASEAN chưa thể bổ nhiệm đặc phái viên về Myanmar được cho là các nước thành viên còn chia rẽ về các ứng viên, nhiệm vụ cụ thể và thời gian nhiệm kỳ của đặc phái viên.

Một nguồn tin cho biết Brunei đã gửi cho các nước ASEAN còn lại một tài liệu đề xuất một số giới hạn đối với đặc phái viên như nhiệm vụ của người này chỉ là trung gian hòa giải và không có văn phòng làm việc tại Myanmar. Tuy nhiên, những điều này bị lo ngại có thể làm suy yếu vai trò của đặc phái viên.

Các nguồn tin cũng cho biết Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - và Thái Lan - quốc gia láng giềng và có quan hệ gần gũi với chính quyền quân sự Myanmar - đã bất đồng trong việc bổ nhiệm đặc phái viên.

Jakarta được cho là ủng hộ việc bổ nhiệm một quan chức duy nhất, trong khi Bangkok lại muốn ASEAN lập ra một cơ quan gồm nhiều đại diện cùng giữ vai trò đặc phái viên. Indonesia và Thái Lan chưa có bình luận về thông tin này.

Tuy nhiên, có vẻ hai nước này đã thỏa hiệp và cùng thống nhất cử ra ba đặc phái viên, nhiều khả năng là các đại diện của Indonesia, Thái Lan và nước chủ tịch luân phiên ASEAN là Brunei. Hướng giải quyết này được cho là đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết thành viên ASEAN, song một quyết định cuối cùng cần được sự đồng thuận từ cả 10 nước.

Bốn tháng sau cuộc chính biến hôm 1-2, tình hình tại Myanmar vẫn tiếp tục căng thẳng với các phong trào biểu tình, đình công, bãi khóa… và giao tranh giữa quân đội chính phủ và các lực lượng nổi dậy vũ trang ở vùng biên.

Thậm chí, hai tuần sau cuộc họp hôm 24-4 tại Jakarta, “Chính phủ đoàn kết dân tộc” (NUG) - tổ chức do các nhà lập pháp dân sự lập ra và được coi là một bên đối thoại ở Myanmar - đã bị chính phủ quân sự nước này coi là “khủng bổ” và bị cáo buộc gây ra các vụ đánh bom, đốt phá và giết người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm