Hong Kong: Cảnh sát lần đầu dùng thiết bị âm thanh tranh cãi

Ngày 17-11, cảnh sát Hong Kong lần đầu tiên dùng tới thiết bị âm thanh chống bạo động gây tranh cãi để đối phó biểu tình mà lực lượng này đã mua 10 năm trước, dù có nhiều ý kiến cho rằng loại vũ khí này có thể gây hại cho người biểu tình.

Trong ngày biểu tình 17-11, có thể nghe thấy âm thanh “woo-woo” tần số thấp xuất phát từ một chiếc xe bọc thép của cảnh sát đậu gần trường đại học Bách Khoa ở Hong Kong, SCMP dẫn thông tin từ một số nhà báo đưa tin về tình hình xung đột giữa bộ phận người biểu tình quá khích với cảnh sát gần khu vực này.

Chính quyền Hong Kong mua xe bọc thép và 2 thiết bị LRAD từ năm 2009. Âm thanh từ thiết bị này có thể phát xa 300m.

Một người phát ngôn cảnh sát xác nhận lực lượng này đã triển khai một thiết bị phát âm thanh tầm xa (LRAD) để cảnh cáo người biểu tình gây bạo động. Thiết bị này được lắp trên nóc một chiếc xe bọc thép Unimog.

Âm thanh từ thiết bị LRAD có thể phát xa 300m. Ảnh: SCMP

Âm thanh từ thiết bị LRAD có thể phát xa 300m. Ảnh: SCMP

Theo người phát ngôn cảnh sát, thiết bị LRAD có thể truyền tải âm thanh đi một khoảng cách xa trong môi trường ồn ào, và đây không phải là một loại vũ khí mà chỉ là một hệ thống phát thanh.

“Không như những gì được đưa trên các phương tiện truyền thông cá nhân, LRAD không phát ra âm thanh cực đoan ở tần số thấp gây choáng váng, nôn nửa, chóng mặt mất phương hướng” – SCMP dẫn lời người phát ngôn cảnh sát cho biết.

Người phát ngôn cảnh sát bác bỏ các tin đồn và khẳng định lực lượng cảnh sát tuân thủ nghiêm các hướng dẫn và quy định trong sử dụng thiết bị LRAD.

Thiết bị phát âm thanh tầm xa được gắn trên nóc xe bọc thép Unimog. Ảnh: SCMP

Thiết bị phát âm thanh tầm xa được gắn trên nóc xe bọc thép Unimog. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên vẫn có lo ngại từ tổ chức Quan sát Quyền công dân (Hong Kong). Theo một số thành viên tổ chức này, cảnh sát New York (Mỹ) trước đây cũng từng sử dụng các thiết bị âm thanh tương tự để đối phó biểu tình và khiến người biểu tình chóng mặt, choáng váng.

“Cảnh sát New York cũng nói đó không phải là vũ khí nhưng người biểu tình lại không ổn sau khi nghe phải. Vì thế, thiết bị này có thể phù hợp với định nghĩa một loại vũ khí” – SCMP dẫn lời một thành viên tổ chức Quan sát Quyền công dân tên Wong Ho-yin cho biết.

Wong Ho-yin cảnh báo người dân Hong Kong cẩn thận trước khả năng cảnh sát có thể lại dùng tới thiết bị LRAD lần nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm