Giải mã biểu tình và đi tìm lời giải hòa bình ở Hong Kong

Từ những ngày đầu tháng 6, hàng trăm ngàn người dân Hong Kong đổ xuống đường biểu tình lên án luật dẫn độ của chính quyền thành phố.

Hai tháng sau đó, bạo động và tình trạng hỗn loạn gia tăng trong khi dòng người biểu tình trở thành một thách thức không hề nhỏ đối với chính phủ của Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam. Bắc Kinh thừa nhận Hong Kong đang trong tình trạng bất ổn nhất từ khi Trung Quốc (TQ) nhận lại thuộc địa cũ của Anh này 22 năm trước.

Bạo loạn và bất ổn gia tăng

Trong tám tuần đầu tiên, cảnh sát đã bắn 160 viên đạn cao su và 1.000 viên đạn hơi cay. Bước vào tuần thứ chín, cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng tới 140 viên đạn cao su và 20 viên đạn bọt biển để đối phó với người biểu tình chỉ riêng ngày 5-8, tờ The Guardian đưa tin.

Trong khi đó, Bắc Kinh đưa ra các lời đe dọa ngầm như cuộc tập trận lớn của 12.000 cảnh sát chống bạo động ở Thâm Quyến, ngay bên kia biên giới, hay rõ ràng hơn như lời “nhắn” tới người dân Hong Kong “đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu”.

Chuẩn bị bước sang tuần thứ mười, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại 13 trong tổng số 18 quận của TP. 13 cũng là số tuổi nhỏ nhất của thành viên biểu tình bị bắt giữ, trong khi người lớn tuổi nhất là 76.

Hàng ngàn công nhân viên chức, nhân viên tài chính và luật sư đã tập hợp lại. Giáo viên và công nhân xây dựng cũng đã góp mặt tại cuộc đình công chung đầu tiên của Hong Kong trong nửa thế kỷ qua vào hồi đầu tuần. Các tuyến tàu điện ngầm bị hủy và hàng trăm chuyến bay bị hoãn.

Tuy nhiên, một số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng trong phong trào đấu tranh này đã chuyển sang sử dụng bạo lực nhằm phá hoại tài sản chủ yếu nhưng cũng chống lại cảnh sát. Người biểu tình Hong Kong thậm chí hai lần ném quốc kỳ TQ vào cảng Victoria ở khu mua sắm lớn Tsim Sha Tsui, kích động cơn giận dữ từ Bắc Kinh, hãng tin CNN cho hay.

Cùng với sự hỗn loạn trong thành phố, yêu cầu của nhóm người biểu tình cũng gia tăng. Từ việc phản đối dự luật dẫn độ được cho là giúp Bắc Kinh thêm quyền “sát sinh”, người dân Hong Kong còn yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về tình trạng bất ổn đang diễn ra. Đây là một yêu cầu then chốt, mà theo hãng tin Bloomberg, cũng nhận được sự ủng hộ của chính người dân Bắc Kinh.

“Chúng ta cần một cuộc điều tra độc lập để giải quyết tất cả mọi việc. Bây giờ vấn đề không nằm ở dự luật mà hơn thế nữa, là sự bất mãn của người dân” - Chủ tịch Tập đoàn Lan Kwai Fong Allan Zeman phát biểu.

Cảnh sát chống bạo động đụng độ với người biểu tình ở vịnh Causeway vào ngày 4-8. Ảnh: Winson Wong

Bắc Kinh luôn “dõi theo” Hong Kong

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 6-8, phát ngôn viên của Văn phòng Chính sách Hong Kong của TQ, ông Yang Guang, cho rằng nhóm nhỏ dẫn dầu phong trào phản kháng bao gồm những thành phần cực đoan bạo lực. “Phía sau họ là những công dân tốt bụng bị xúi giục và bắt buộc tham gia” - ông Yang Guang phát biểu trước phóng viên.

Bên cạnh đó, ông Yang cũng nhấn mạnh những thiệt hại kinh tế và xã hội mà những cuộc biểu tình gây ra với TP Hong Kong và kêu gọi công dân vững tâm bảo vệ quê hương xinh đẹp “của chúng ta”. “Đừng bao giờ đánh giá sai tình huống và nhầm lẫn sự kiềm chế của chúng tôi là điểm yếu” - ông Yang khẳng định.

Sau đó một ngày, người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau Zhang Xiaoming đã tổ chức một diễn đàn để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở Hong Kong. Sự kiện có khách mời là các đại biểu Hong Kong tại Quốc hội TQ, Đại hội Nhân dân quốc gia và Cơ quan tư vấn chính của Trung Quốc. Không có đại diện của nhóm biểu tình hoặc nhóm dân chủ đối lập được mời.

Phát biểu sau cuộc họp, một số người tham dự cho biết ông Trương đã trích dẫn bài phát biểu của cựu lãnh đạo tối cao TQ Đặng Tiểu Bình năm 1984 và 1987. Theo đó, chính quyền trung ương phải can thiệp nếu tình trạng hỗn loạn xảy ra ở Hong Kong, theo hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, các quan chức không đề cập đến việc triển khai quân đội TQ để dập tắt cuộc biểu tình. Ông Zhang cho biết Bắc Kinh vẫn tin tưởng vào chính quyền Hong Kong và cảnh sát địa phương trong việc khôi phục sự ổn định khu vực.

Hong Kong nên làm gì?

Theo tờ South China Morning Post, khôi phục hòa bình hiện là ưu tiên hàng đầu của thành phố sau nhiều tuần bạo lực leo thang được thúc đẩy bởi những người phản đối dự luật vốn đã “chết”. “Trước khi giải quyết các vấn đề cơ bản làm phát sinh cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng của thành phố, điều cần làm bây giờ là chúng ta phải đoàn kết để khôi phục trật tự xã hội và ổn định mục tiêu chung trước mắt” - tờ nhật báo Hong Kong viết.

Cụ thể, ban biên tập của tờ nhật báo nhắc lại rằng quyền biểu tình đã được quy định trong luật cơ bản của Hiến pháp Hong Kong và không thể bị hạn chế. Tuy nhiên, biểu tình phải được tổ chức một cách ôn hòa trong khi những gì diễn ra trong nhiều tuần qua cho thấy bạo lực chỉ khiến tình hình càng thêm bế tắc.

Vì thế, Hong Kong cần có những cách cụ thể để giải quyết một loạt vấn đề xung quanh tình trạng bất ổn chưa từng thấy này. Trước những hành động đáng lên án của cả người biểu tình và cảnh sát, trước những vấn đề sâu sắc gây ra sự phẫn nộ của công chúng, cần có giải pháp để giúp người dân TP đoàn kết lại.

Giải pháp ấy có thể là chính quyền tập hợp các bên liên quan để đạt được sự đồng thuận trong một khuôn khổ có cấu trúc hơn. Hơn nữa, một cuộc điều tra về dự luật dẫn độ vẫn rất cần thiết để phân tích rõ ràng cả vấn đề và bài học rút ra. Nhưng chấm dứt hỗn loạn và bạo lực phải là ưu tiên hàng đầu giai đoạn này, tờ nhật báo kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm