'Gây' với Iran, Mỹ vô tình giúp Nga tăng vị thế ở Syria

Chính quyền Syria đang phải chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ khi cuộc cách mạng Syria bùng nổ vào năm 2011. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhiên liệu, khí đốt và điện đã khiến những người trung thành kiên định nhất với Tổng thống Bashar al-Assad hiện cũng đang công khai bày tỏ sự bất mãn của họ đối với sự lãnh đạo của ông.

Tuy những yếu tố nội bộ đã góp phần gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Washington đối với Tehran cũng có tác động đáng kể khiến Iran phải giảm đầu tư tài chính và năng lượng cho Damascus. Điều này đã làm suy yếu ảnh hưởng của Iran đối với chính quyền Syria và tạo điều kiện cho Nga đạt được những lợi ích đáng kể nhờ vào việc tài trợ quốc gia này.

Nguồn lực nước ngoài

Từ năm 2013 đến 2016, chính quyền Assad duy trì sự kiểm soát của mình chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ tài chính, kinh tế và quân sự từ Iran và Nga. Khi lãnh thổ do ông al-Assad kiểm soát ngày càng được mở rộng, vị tổng thống này phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cơ bản cho dân chúng và do đó, càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn lực từ bên ngoài.

Tổng thống Syria al-Assad. Ảnh: The Independent

Kể từ khi cuộc xung đột Syria bùng nổ vào tháng 3-2011, Iran được cho đã chi khoảng 15 tỉ USD hàng năm để giúp ông al-Assad duy trì quyền lực, chủ yếu là hỗ trợ cho ngành năng lượng Syria.

Hiện tại, Damascus phải nhập khẩu khoảng 80% nhu cầu năng lượng trị và tiêu tốn hơn 2,3 tỉ USD mỗi năm. Để giúp Syria, Iran đã vận chuyển khoảng một đến ba triệu thùng mỗi tháng cho nước này.

Nga cũng đã chi một khoản tiền lớn kể từ tháng 9-2015 khi họ tiến hành can thiệp quân sự vào Syria. Chi tiêu của Nga tập trung chủ yếu vào quân sự, chi phí ước tính khoảng 4 triệu USD mỗi ngày. Nga cũng xuất khẩu dầu cho Syria, tuy nhiên, cho đến gần đây dường như Iran đã trả tiền cho số dầu này.

Bù lại, al-Assad đã trao cho Moscow và Tehran khai thác cơ sở hạ tầng và tài nguyên chiến lược của đất nước, như cảng, sân bay, mỏ dầu, mỏ phốt phát và nhiều hơn nữa. Điều này càng thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt giữa Nga và Iran; cả hai đều coi việc đảm bảo nhiều nguồn lực và cơ hội kinh tế không chỉ là một hình thức bồi thường cho việc giữ cho ông al-Assad tại vị mà còn là cách để gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với ông này và chính quyền Damascus, đồng thời duy trì sự hiện diện chiến lược của họ ở Syria, theo Al Jazeera.

Trong bối cảnh đó, chính sách "gây áp lực tối đa" của Mỹ đang mang lại cho Nga một lợi thế trước Iran. Kể từ khi Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt đối với Iran vào tháng 11 năm ngoái, xuất khẩu dầu của Tehran từ 2,8 triệu thùng đã bị cắt giảm xuống còn khoảng 500.000 thùng/ngày. Điều này khiến Iran mất hơn 10 tỉ USD doanh thu từ dầu mỏ, do vậy đã hạn chế đáng kể số tiền mà Tehran có thể chi ra để duy trì vị thế của mình ở Syria.

Iran suy yếu, Nga hồi sinh

Với việc Iran không thể gửi dầu và tiền như trước đây, chính quyền Syria chỉ còn hai lựa chọn: tiến hành các chiến dịch quân sự để giành lại các giếng dầu ở phía đông, nơi đang bị chiếm đóng bởi lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn, hoặc yêu cầu Nga giúp đỡ.

Lựa chọn đầu tiên gần như không thể thực hiện được lúc này với sự hiện diện liên tục của Mỹ ở phía đông bắc Syria. Lựa chọn thứ hai sẽ khả thi hơn nhiều, nhưng có thể chính quyền ông al-Assad phải chịu thất thế về mặt chính trị.

Lực lượng người Kurd đang muốn thành lập quốc gia của riêng mình ở Syria. Ảnh: The Economist.

Mặc dù đang có lợi thế trong việc bù đắp cho việc thiếu nguồn cung dầu từ Iran, Nga dường như không vội vàng trong việc xử lý khủng hoảng tại Syria. Có lẽ lý do cho sự không hành động của Moscow là mong muốn thấy chính quyền của ông al-Assad phải "thấm thía" nhiều hơn trước khi Moscow ra tay giải cứu, kèm theo một danh sách dài các yêu cầu mà ông al-Assad phải xem xét.

Trong khi đó, chính sách "gây áp lực tối đa" của Mỹ lại càng giúp Moscow đạt được điều này. Các báo cáo gần đây cho thấy tình hình kinh tế xấu đi của Iran đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Bằng cách loại bỏ Iran ở Syria, Nga có thể "dẫn điểm" tại Syria. Tổng thống Syria dường như không còn có thể chơi trò “đi dây” giữa Moscow và Tehran để giữ đòn bẩy chính trị của mình.

Điều này sẽ có ý nghĩa gì cho tương lai của Syria vẫn cần phải được xem xét. Tuy nhiên, một kịch bản thực tế đó là Nga sẽ đẩy mạnh  tấn công vào miền bắc Syria để quét sạch phe đối lập và gia tăng ảnh hưởng đối với chính phủ nước này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm