Gần 1 triệu ca nhiễm, châu Âu vẫn trong 'mắt bão' COVID-19

Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Hans Kluge phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16-4 rằng châu Âu vẫn nằm trong "mắt bão" của đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm gần tới ngưỡng 1 triệu, theo báo South China Morning Post.

“Các ca nhiễm trên khắp khu vực tiếp tục tăng. Trong 10 ngày qua, số ca nhiễm được báo cáo ở châu Âu tăng gần gấp đôi lên mức gần 1 triệu trường hợp” - ông Kluge nói với phóng viên trong buổi họp báo trực tuyến ngày 16-4.

Các nhân viên y tế tham gia điều trị một bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc tích cực ở BV Povisa ở Vigo, tây bắc Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Điều này có nghĩa là khoảng 50% số bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu là ở châu Âu, theo ông Kluge. Cũng tại châu lục này, hơn 84.000 người đã qua đời vì COVID-19, trong đó các nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

"Đám mây của cơn bão đại dịch này vẫn đang phần lớn nằm ở khu vực châu Âu" - ông Kluge nhận định.

Khi một số quốc gia bắt đầu xem xét việc nới lỏng lệnh phong tỏa và mở cửa trường học cũng như một số nơi làm việc, ông Kluge cho hay điều quan trọng là phải hiểu được tính phức tạp và tính không chắc chắn của việc chuyển đổi như vậy.

Các công ty và các chính trị gia trên thế giới đang lo ngại về tác động của việc đóng cửa lâu dài đối với kinh tế. Một số quốc gia ở châu Âu như Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha và một số nước khác đang bắt đầu tính tới việc nới lỏng một số hạn chế xã hội.

Ông Kluge cho hay WHO đã thừa nhận rằng các chính sách giãn cách xã hội được thiết kế nhằm làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 “đang ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh kế của người dân”.

“Mọi người có lý khi hỏi: Chúng ta sẽ phải chịu đựng tới mức nào? Và trong bao lâu? Để giải đáp, chúng ta, các chính phủ và giới chức y tế phải đưa ra những câu trả lời để xác định xem khi nào, trong tình hình nào và làm thế nào chúng ta có thể có một sự chuyển đổi an toàn" - ông Kluge nói.

Cảnh sát phong tỏa lối vào bãi biển La Mar Bella beach ở tỉnh Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: GETTY

Theo ông Kluge, bất cứ bước đi nào nhằm dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trước tiên phải đảm bảo một số tiêu chí quan trọng, trong đó, cần phải chắc chắn tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại quốc gia đó đang được kiểm soát, các rủi ro với dịch bệnh được giảm thiểu và hệ thống y tế cần có khả năng xác định, kiểm tra, theo dõi và cách ly, điều trị các ca nhiễm.

Đến nay, dựa vào số liệu thống kê tình hình dịch COVID-19 của trang Worldometer, 6/10 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới là tại châu Âu, gồm Tây Ban Nha (184.948), Ý (168.941), Pháp (165.027), Đức (137.698), Anh (103.093) và Bỉ (34.809).

Ngoài ra, trong 10 quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao nhất thế giới, châu Âu có tới bảy nước, gồm Ý (22.170), Tây Ban Nha (19.315), Pháp (17.920), Anh (13.729), ), Bỉ (4.857), Đức (4.052) và Hà Lan (3.315).

Hiện Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với con số lần lượt là 677.009 và 34.571.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm