ĐSQ Nga: Ông Ghani rời Afghanistan với 4 ô tô, 1 trực thăng chất đầy tiền

Đại sứ quán Nga tại Kabul cho biết ông Ashraf Ghani - người đã từ chức Tổng thống Afghanistan hôm 15-8 - đã rời khỏi Kabul với những chiếc ô tô và trực thăng chất đầy tiên, hãng tin RIA Novosti cho hay.

“Về sự sụp đổ (của chính quyền Kabul), điều này được mô tả một cách hùng hồn nhất qua việc ông Ghani trốn thoát khỏi Afghanistan: bốn chiếc ô tô chất đầy tiền, họ cố gắng nhét phần tiền còn lại vào một chiếc trực thăng nhưng không phải tất cả đều vừa” - ông Nikita Ishchenko, người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Kabul, nói.

Theo ông Ishchenko, ông Ghani đã đành phải rời đi với một phần tiền vẫn còn ở lại sân bay Kabul

Ông Ashraf Ghani - người đã từ chức Tổng thống Afghanistan hôm 15-8 và rời khỏi đất nước sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul. Ảnh: EPA-EFE

Trước đó, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Afghanistan, ông Zamir Kabulov nói rằng phía Moscow không rõ chính quyền ông Ghani đã để lại bao nhiêu tiền khi tháo chạy khỏi Kabul.

“Tôi hy vọng chính phủ (Afghanistan) đã bỏ trốn mà không lấy hết tiền từ ngân sách nhà nước. Nếu có gì đó còn sót lại, đó sẽ là nền tảng của ngân sách” - ông Kabulov nói trên sóng phát thanh Ekho Moskvy của Moscow.

Cũng trên đài Ekho Moskvy, Đại sứ Nga tại Kabul, ông Dmitry Zhirnov đã chia sẻ về những gì đã và đang diễn ra ở Afghanistan. Ông Zhirnov nói: “Tình hình đang diễn ra hòa bình và tốt đẹp và mọi thứ đã lắng xuống trong thành phố, tình hình ở Kabul hiện nay dưới thời Taliban tốt hơn so với dưới thời ông Ghani”.

Ông Zhirnov kể lại rằng những thành viên Taliban đầu tiên tiến vào Kabul hôm 15-8 là nhóm không mang vũ khí. Lực lượng có vũ trang của Taliban chỉ vào Kabul sau khi ông Ghani rời khỏi đất nước và áp đặt lệnh giới nghiêm.

Trong 24 giờ đầu tiên kiểm soát Kabul, các động thái của Taliban được Đại sứ Zhirnov nhận xét là “tốt, tích cực và giống như một doanh nghiệp”. Các trường học, kể cả trường cho trẻ em gái, đã được mở cửa trở lại.

Taliban đã kiểm soát vành đai xung quanh Đại sứ quán Nga. Trước đó, Taliban đã cam kết không làm phương hại tới lợi ích của Nga, bao gồm việc bảo vệ các nhà ngoại giao Nga.

Ngay khi giới chức còn lại tại Kabul xác nhận ông Ghani đã rời Afghanistan, một số nguồn tin cho rằng ông Ghani đã sang nước láng giềng Tajikistan và nhiều khả năng sẽ tới Nga. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có thông tin xác thực về hành tung của ông Ghani.

Sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul và tuyên bố chiến thắng, Nga vẫn duy trì hiện diện ngoại giao tại Afghanistan và mong muốn phát triển với Taliban bất chấp việc lực lượng này vẫn đang bị Moscow liệt vào danh sách khủng bố.

Ông Kabulov nói với hãng thông tấn TASS rằng Taliban chỉ có thể được xóa tên khỏi danh sách khủng bố nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) thông qua một nghị quyết về vấn đề này.

Ông Kabulov nói rằng điều kiện đầu tiên là tất cả thành viên HĐBA cần đảm bảo rằng Taliban sẽ hành xử “theo một cách trên danh nghĩa là văn minh”, nếu điều này được giải quyết thì mọi thứ khác chỉ là vấn đề “về mặt kỹ thuật”.

Theo ông Kabulov, cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi chặt chẽ hành vi của Taliban ở Afghanistan và nếu lực lượng này không vi phạm các nguyên tắc cơ bản liên quan đến nhân quyền, HĐBA sẽ đưa Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Ông Kabulov cho biết Moscow nhận thấy sau cùng, Taliban “nếu không hoàn toàn lên nắm quyền thì sẽ đóng vai trò hàng đầu trong tương lai của Afghanistan”.

Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul, tuyên bố chiến thắng và kêu gọi “chuyển giao hòa bình”. Tuy nhiên, thay vì một cuộc chuyển giao trực tiếp thì một chính phủ chuyển tiếp được lập ra. Taliban vẫn chưa công bố rõ ràng đường lối lãnh đạo sau khi giành lại quyền kiểm soát Afghanistan, song tuyên bố chính phủ mới sẽ bao gồm tất cả thành phần, không chỉ của riêng Taliban. Taliban từng nắm quyền tại Kabul từ năm 1996 và bị Mỹ cùng đồng minh tấn công, lật đổ năm 2001 vì cáo buộc tài trợ khủng bố. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm