Đối ngoại nước Mỹ thời hậu Bolton

Từ sau khi nhậm chức, ông Bolton không chỉ hối thúc ông Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran mà còn từ bỏ theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên, cứng rắn với Trung Quốc, đưa thêm quân đến biên giới Nga.

Ông Bolton ra đi trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang đặc biệt ở vịnh Ba Tư. Triều Tiên thì đang phát triển năng lực tên lửa. Các chuyên gia kiểm soát vũ khí cảnh báo nguy cơ sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang mới với Nga. Căng thẳng thương mại với Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Quân Mỹ ở Afghanistan vẫn chưa thể rút về mà Taliban lại vừa đe dọa sẽ tăng cường tấn công khi thỏa thuận giữa Mỹ với Taliban không thành.

Theo chuyên gia Dov S. Zakheim, việc ông Bolton ra đi là tin vui với nhiều nước, không chỉ các nước đối đầu với Mỹ mà cả nhiều đồng minh của Mỹ, như trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Dov S. Zakheim - cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, từng là thứ trưởng Quốc phòng Mỹ thời gian 2001-2004.

Trên USA Today,nhà phân tích chính sách đối ngoại, quốc phòng, Trung tá về hưu Daniel L. Davis cho rằng chuyện ông Bolton ra đi là điều tích cực với Mỹ. Thời gian qua ông Bolton đã kéo ông Trump ra xa khỏi hòa bình và ngoại giao, cố vấn ông Trump với các quyết định phản tác dụng. Theo ông Daniel L. Davis, mọi việc sẽ khác nếu cố vấn an ninh của ông Trump không phải là ông Bolton mà là một người khác. BáoGuardiancũng cho rằng việc ông Bolton ra đi sẽ tác động đến chính sách đối ngoại Mỹ thời gian tới.

Về Iran, ông Bolton từng muốn Mỹ không kích Iran sau khi Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6. Ông Trump ban đầu đồng ý nhưng rút lại vào phút cuối vì lo ngại leo thang quân sự. Ông Bolton ra đi, cuộc gặp giữa ông Trump với ông Rouhani có khả năng diễn ra, dĩ nhiên kèm điều kiện Mỹ bỏ trừng phạt lên xuất khẩu dầu Iran. Ngày 10-9, ông Pompeo nhắc lại lời ông Trump rằng ông có thể gặp người đồng cấp Rouhani tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng này.

Về Triều Tiên, ông Bolton phản đối mạnh chuyện Mỹ muốn đi con đường đối thoại hòa bình với Triều Tiên, không tin Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, từng ra mặt phản đối ông Trump gặp ông Kim hồi tháng 6. Chưa thể nói được điều gì sẽ diễn ra ở bán đảo Triều Tiên sắp tới nhưng việc ông Bolton ra đi đồng nghĩa con đường ngoại giao được hy vọng sẽ rộng mở hơn.

Về Venezuela, ông Bolton từng chủ trương đưa quân vào nước này để lật đổ chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro. Ông Bolton ra đi, Mỹ khả năng sẽ có các bước đi mềm mại hơn với Venezuela. Về Nga, không còn ông Bolton, ông Trump có cơ hội tốt hơn để theo đuổi ngoại giao với Nga sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng ra làm trung gian khuyến khích hai nước đối thoại về Ukraine.

Về Afghanistan, sau khi ông Bolton ra đi thì quân Mỹ tại đây sẽ có cơ hội trở về nước nhiều hơn. Và cuối cùng, chủ trương chống toàn cầu hóa và đa phương hóa của ông Trump vẫn còn nhưng sẽ cân bằng hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm