Điều tra luận tội ông Trump: Mai điều trần công khai lần 2

Phiên điều trần công khai thứ hai về cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15-11 (giờ Mỹ), dưới sự điều hành của Ủy ban Tình báo Hạ viện.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch, một nhân vật trung tâm nữa trong cuộc điều tra, sẽ ra cung cấp lời khai trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong phiên điều trần thứ hai này. Bà Yovanovitch bị ông Trump bất ngờ sa thải khỏi vị trí đại sứ ở Ukraine hồi tháng 5.

Ngày 11-10, bà Yovanovitch từng nói với các nghị sĩ Mỹ trong phiên họp kín rằng ông Trump sa thải bà dựa vào “các kết luận vô căn cứ và sai trái từ những người rõ ràng có các động cơ đáng nghi”.

Cảnh sát Quốc hội Mỹ hộ tống bà Marie Yovanovitch - cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine rời đi sau khi bà đến cung cấp lời khai tại Quốc hội ngày 11-10. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát Quốc hội Mỹ hộ tống bà Marie Yovanovitch - cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine rời đi sau khi bà đến cung cấp lời khai tại Quốc hội ngày 11-10. Ảnh: REUTERS

Quan chức phụ trách ngân sách của Nhà Trắng - ông Mark Sandy dự kiến sẽ ra cung cấp lời khai trong phiên thẩm vấn kín ngày 16-11.

Trọng tâm của cuộc điều tra là về cuộc điện đàm ngày 25-7 giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Trong cuộc điện đàm này ông Trump bị cáo buộc đã yêu cầu chính phủ ông Zelenskiy điều tra cha con ông Joe Biden - đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Ông Biden là cựu tổng thống Mỹ và hiện là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua giành đề cử vị trí ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ. Con trai ông Biden - ông Hunter Biden từng có thời gian làm việc trong ban lãnh đạo một công ty thương mại của Ukraine tên Burisma.

Bên cạnh đó, ông Trump còn bị cáo buộc đã yêu cầu ông Zelenskiy điều tra thuyết âm mưu rằng Ukraine chứ không phải Nga đã can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Bà Pelosi: Việc ông Trump làm nghiêm trọng hơn ông Nixon làm

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã tổ chức phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội ông Trump vào ngày 13-11. Ước tính có khoảng 13,8 triệu người Mỹ xem trực tiếp phiên điều trần công khai này qua 10 kênh truyền hình và mạng lưới truyền hình cáp ở Mỹ.

Phiên điều trần công khai đầu tiên ngày 13-11 có sự tham gia lấy lời khai của hai nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ: quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor và Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ George Kent.

Tại phiên điều trần, ông Taylor đưa ra bản giải trình cho thấy ông Trump liên quan trực tiếp đến chiến dịch làm áp lực lên Ukraine. Tiết lộ của ông Taylor cho thấy ông Trump có quyền lợi trong các cuộc điều tra của Ukraine.

Quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor (phải) và Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ George Kent (trái) đến cung cấp lời khai tại phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội ông Trump, ngày 13-11. Ảnh: REUTERS

Quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor (phải) và Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ George Kent (trái) đến cung cấp lời khai tại phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội ông Trump, ngày 13-11. Ảnh: REUTERS

Theo ông Taylor, ông Trump từng có cuộc điện đàm với ông Gordon Sondland - một cựu tài trợ chính trị được ông Trump bổ nhiệm làm đặc phái viên ở Liên minh châu Âu. Khi được hỏi về suy nghĩ của ông Trump về Ukraine, ông Sondland nói ông Trump quan tâm đến cuộc điều tra ông Biden. Các nghị sĩ Cộng hòa nói lời khai của ông Taylor chỉ là tin đồn.

Ngày 14-11, trao đổi với báo chí sau phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội mình, ông Trump nói ông chẳng biết gì về cuộc điện đàm với ông Sondland.

Quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor (phải) và Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ George Kent (trái) đến cung cấp lời khai tại phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội ông Trump, ngày 13-11. Ảnh: REUTERS

Quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor (phải) và Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ George Kent (trái) đến cung cấp lời khai tại phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội ông Trump, ngày 13-11. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc họp báo ngày 14-11, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi so sánh các hành động của ông Trump với hành xử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong vụ bê bối tham nhũng Watergate đã khiến ông này trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm này phải từ chức vào năm 1974.

Thậm chí, theo bà Pelosi, việc ông Trump cho phép một nước khác giúp mình trong cuộc bầu cử Mỹ và cản trở thông tin về điều này “khiến những gì ông Nixon làm trở nên nhỏ bé”.

Bà Pelosi cũng nói chính phủ Trump đã “cản trở Quốc hội” khi phong tỏa lời khai của nhiều quan chức được triệu tập đến để lấy lời khai phục vụ cuộc điều tra.

Đảng Dân chủ muốn luận tội ông Trump xong trong năm 2019

Đảng Dân chủ có kế hoạch sẽ kết thúc tiến trình điều tra luận tội ông Trump trước khi kết thúc năm 2019.

Cuộc điều tra luận tội đe dọa sự nghiệp tổng thống của ông Trump, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump đang chạy đua nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử tháng 11-2020.

Nếu Hạ viện - do đảng Dân chủ kiểm soát - thông qua các điều khoản luận tội hay còn được xem là cáo buộc chính thức đưa ra với ông Trump, Thượng viện khi đó sẽ mở phiên tòa xem xét có buộc tội ông và buộc ông rời khỏi vị trí tổng thống hay không. Khả năng này không dễ khi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff (trái) – người đang phụ trách tổ chức các phiên điều trần công khai về cuộc điều tra luận tội ông Trump và nghị sĩ Cộng hòa cấp cao Devin Nunes (phải) trong phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội ông Trump, ngày 13-11. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff (trái) - người đang phụ trách tổ chức các phiên điều trần công khai về cuộc điều tra luận tội ông Trump và nghị sĩ Cộng hòa cấp cao Devin Nunes (phải) trong phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội ông Trump, ngày 13-11. Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh tiến trình điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump đang căng thẳng, ngày 14-11, bà Pelosi lên tiếng rằng ông Trump đã thừa nhận hối lộ trong vụ bê bối Ukraine - trung tâm của cuộc điều tra.

Ngoài các vụ điện đàm, đảng Dân chủ cũng đang điều tra khả năng vị tổng thống Cộng hòa Trump lạm dụng quyền lực khi quyết định giữ lại khoản hỗ trợ an ninh 391 triệu USD cho Ukraine như một quân bài để làm áp lực buộc Ukraine thực hiện hai cuộc điều tra có lợi cho ông về mặt chính trị.

Khoản tiền này đã được Quốc hội duyệt trước đó nhằm giúp Ukraine - đồng minh của Mỹ đối phó với phe ly khai ở miền Đông. Khoản tiền này sau đó cũng đã được cung cấp cho Ukraine.

Theo bà Pelosi, ông Trump có thể bị buộc tội phản quốc theo Hiến pháp Mỹ. Theo Hiến pháp Mỹ, những người có thể bị buộc tội phản quốc có các hành vi “mưu phản, hối lộ”.

Trong quá trình điều tra, đảng Dân chủ bắt đầu dùng tới từ “hối lộ” hoặc “cố gắng hối lộ” trong khi nói về các hành động của ông Trump. Và theo hãng tin Reuters, từ phát ngôn mới nhất của bà Pelosi rằng ông Trump “hối lộ” có thể hình dung các điều khoản luận tội mà đảng Dân chủ có thể sẽ đưa ra.

Đảng Cộng hòa nói đảng Dân chủ tại Hạ viện đã quyết định xong các điều khoản luận tội nhưng bà Pelosi bác bỏ, khẳng định Hạ viện sẽ chờ kết quả điều tra trước khi có bất kỳ quyết định nào.

Hiện tại, đảng Cộng hòa tập trung tấn công Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff - người đang phụ trách tổ chức các phiên điều trần công khai về cuộc điều tra luận tội ông Trump.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cáo buộc ông Schiff nói dối trong phiên điều trần công khai đầu tiên ngày 13-11 rằng ông không xác định được nguồn tin trong cộng đồng tình báo Mỹ cung cấp thông tin về cuộc điện đàm của ông Trump với ông Zelenskiy, dẫn tới việc Hạ viện Mỹ phải mở cuộc điều tra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm