Điều gì chấm dứt 8 tháng Đài Loan không ca nhiễm cộng đồng?

Trong bảy ngày qua, Đài Loan đã phát hiện 1.264 ca nhiễm mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng, làm dấy lên câu hỏi tại sao một hình mẫu chống dịch hiệu quả như hòn đảo này lại hứng chịu một làn sóng COVID-19 nghiêm trọng như vậy, tờ Nikkei Asia bình luận.

Trong hơn 15 tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào tháng 1-2020 (là người nhập cảnh), Đài Loan được quốc tế đánh giá cao khi trong hơn tám tháng liên tiếp, vùng lãnh thổ này không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Các ca nhiễm trong cộng đồng xuất hiện từ cuối tháng 4

Đài Loan hôm 20-4 đã công bố hai trường hợp nhiễm COVID-19 là phi công của hãng China Airlines, gây lo ngại về ổ dịch tại khách sạn Novotel (ở TP Đào Viên) - nơi hai phi công này cách ly. 

Khách sạn Novotel Đào Viên, nơi vi phạm quy định cách ly phi công Đài Loan sau các chuyến bay quốc tế. Ảnh: CNA (ĐÀI LOAN)

Đến ngày 7-5, Đài Loan đã phát hiện 11 phi công, một tiếp viên hàng không, sáu nhân viên khách sạn Novotel nhiễm COVID-19 và các ca bệnh này đã lây nhiễm cho 11 người khác.

Một số ca nhiễm khác tiếp tục được báo cáo nhưng cho tới trước ngày 15-5, tổng số ca nhiễm COVID-19 do lây trong cộng đồng tại Đài Loan chỉ là 164, bao gồm 13 trường hợp được báo cáo ngày 13-5 và 29 ca khác được công bố hôm 14-5.

Biểu đồ số ca nhiễm COVID-19 tại Đài Loan đi lên theo chiều gần như thẳng đứng khi số ca nhiễm mới trong cộng đồng trong những ngày tiếp theo đều ở mức ba chữ số: 180 (ngày 15-5), 206 (ngày 16-5), 333 (ngày 17-5), 240 (ngày 18-5) và 267 (ngày 19-5). Sau đó, qua xác nhận lại, giới chức Đài Loan đã xóa bốn bệnh nhân trong số này khỏi danh sách người nhiễm COVID-19.

Đến ngày 19-5, Đài Loan đã phát hiện 2.533 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 1.386 ca nhiễm trong cộng đồng. Số người chết vì COVID-19 tại vùng lãnh thổ này là 14 và số vẫn đang điều trị là 1.386.

Sai lầm trong chính sách và thực hiện cách ly phòng dịch

Nikkei Asia lưu ý rằng vào giữa tháng 4, Đài Loan đã nới lỏng quy định cách ly phòng dịch đối với nhân viên hàng không dân sự. Nếu đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, phi công và các thành viên khác trong tổ bay không cần cách ly y tế, trong khi người chưa được tiêm vaccine chỉ cần cách ly trong ba hoặc năm ngày.

Chuyên gia y tế công cộng người Đài Loan, ông Dương Hiến Hoành cho rằng thời gian cách ly như vậy là “quá ngắn”. Thực tế là một số ca nhiễm là phi công cách ly tại khách sạn Novotel đã đến nhiều quán bar và nhà hàng trước khi bị phát hiện nhiễm COVID-19. Ông Dương cho rằng sự lỏng lẻo trong cách ly tại Novotel là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng như hiện nay ở Đài Loan. 

Người dân Đài Loan xếp hàng bên ngoài Bệnh viện Thổ Thành hôm 19-5 để chờ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: CNA (ĐÀI LOAN)

Novotel được cấp phép cách ly y tế người trở về từ các chuyến bay quốc tế tại một tòa nhà trong khuôn viên khách sạn. Tuy nhiên, khách sạn này đã đưa một số người cách ly đến ở tòa nhà còn lại, vốn dành cho khách nội địa.

Hãng hàng không China Airlines bị quy trách nhiệm vì để nhân viên cách ly tại các phòng không được cấp phép và bị phạt 1 triệu Tân Đài tệ (hơn 823 triệu đồng). Giới chức TP Đào Viên cũng phạt khách sạn Novotel 1,27 triệu Tân Đài tệ (gần 1,05 tỉ đồng).

Ngoài ra, trước khi dịch bùng phát trong cộng đồng, tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Đài Loan vẫn là rất chậm. Hiện nay, vùng lãnh thổ này đang vật lộn để mua được vaccine.

Theo công cụ giám sát của hãng tin Bloomberg, Đài Loan đã triển khai 220.352 triệu liều vaccine, tức là chỉ khoảng 0,5% dân số vùng lãnh thổ này được tiêm ngừa COVID-19.

Đài Loan phải nâng mức cảnh báo nhưng cần bình tĩnh

Từ ngày 15-5, Đài Bắc và TP Tân Bắc đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức ba (trong thang đo bốn mức). Đến ngày 19-5, mức cảnh báo này đã được áp dụng cho toàn bộ đảo Đài Loan.

Điều này có nghĩa là người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, nếu không sẽ bị phạt 15.000 Tân Đài tệ (hơn 12 triệu đồng). Việc tập trung từ 10 người trở lên ở ngoài trời hoặc từ năm người nếu ở trong nhà, trừ khi là người sống chung một nhà, đều bị cấm và người vi phạm có thể bị phạt tới 300.000 Tân Đài tệ (hơn 247 triệu đồng).

Thư viện, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao và các địa điểm khác đều buộc phải đóng cửa. Nhà hàng có thể hoạt động nếu đảm bảo giãn cách xã hội và lưu lại thông tin khách hàng để phục vụ truy vết khi cần.

Đài Loan chỉ áp đặt mức cảnh báo cao nhất, đồng nghĩa việc phong tỏa, nếu trong hai tuần liên tiếp, vùng lãnh thổ này có số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày đều lớn hơn 100 và ít nhất một nửa số ca nhiễm này không rõ nguồn lây.

Chuyên gia Jason Vương Trí Hoằng, Chủ nhiệm Trung tâm Chính sách, thành quả và y tế dự phòng của Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng “điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh”.

Ông Vương cho rằng nếu đảm bảo người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch, Đài Loan hoàn toàn có thời gian để xác định các trường hợp đã nhiễm bệnh, cách ly điều trị và truy vết tiếp xúc. Nếu không, các chuỗi lây nhiễm có thể kéo dài sang nhiều tháng tới, hoặc thậm chí lâu hơn nữa, buộc chính quyền phải ban hành lệnh phong tỏa.

Trong ngày 19-5, Đài Loan đã nhận lô vaccine ngừa COVID-19 thứ hai (410.400 liều) được phân bổ theo chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước đó, vùng lãnh thổ này đã nhận 199.200 từ chương trình COVAX hôm 4-4.

Đài Loan đang nỗ lực đàm phán mua thêm vaccine ngừa COVID-19. Đặc biệt, vùng lãnh thổ này cũng muốn tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ để mua vaccine của Pfizer, Moderna hay Johnson&Johnson sau khi Washington công bố kế hoạch xuất khẩu vaccine. Các nhà khoa học Đài Loan cũng đang độc lập phát triển ba loại vaccine ngừa COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm