Dịch COVID-19: Tại sao Ý lại chết nhiều thế?

Dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) ở Ý tiến triển xấu quá nhanh. Từ chỉ một người chết ngày 24-2, ba ngày sau (27-2) số người chết đã là 17. Hai ngày sau nữa (29-2) số người chết tăng lên 29. Từ đầu tháng 3 số người chết tăng hai con số mỗi ngày. Đến ngày 4-3 số người chết là 107. Và đến ngày 6-3, số người chết lên tới con số báo động 148, tăng tới 41 người so với ngày trước đó.

Các con số báo động này đang gây hoang mang và nghi ngại cho nhiều người, tại sao Ý lại chết nhiều thế khi đây là một nước phát triển và có hệ thống y tế hiện đại bậc nhất châu Âu?

Nhiều người già

Báo Guardian dẫn phân tích từ GS Massimo Galli - Giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm tại BV Sacco ở Milan (Ý) rằng lý do chính khiến con số tử vong ở Ý liên tục tăng cao là do tình trạng dân số già của nước này.

Người dân Ý mang khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi ra đường. Ảnh: AFP

Với 23% dân số Ý ở tuổi trên 65, Ý là nước có dân số già thứ hai thế giới sau Nhật. Tuổi thọ của Ý thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhưng không may là trong những tình huống dịch bệnh thế này thì người già rủi ro nhiều hơn, theo GS Galli.

“Ý là đất nước của những người già. Số người già có các vấn đề bệnh lý mãn tính rất nhiều ở đây. Tôi nghĩ điều này có thể giải thích tại sao ở đây chúng ta có nhiều ca bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn ở các nước khác” - theo GS Galli.

Thực tế đúng là đa số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở Ý đều đã già, trong độ tuổi từ 63 đến 95 với nhiều bệnh mãn tính sẵn trong người.

Ca tử vong đầu tiên của Ý là một cụ ông 78 tuổi, chết ngày 21-2. Hai ca tử vong ngày 24-2 là hai cụ ông ở độ tuổi 80. Ca tử vong nhỏ tuổi nhất ở Ý cũng ở vào tuổi 55 và cũng có bệnh mãn tính. Ca tử vong tuổi ít thứ hai là một bác sĩ 61 tuổi cũng có bệnh mãn tính.

Một nữ bác sĩ Ý nhiễm bệnh với triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà và đã hồi phục. Bác sĩ này cũng công nhận: “Phần lớn trường hợp mọi người được chữa khỏi. Vấn đề là chúng ta không có cơ chế để bảo vệ những người trong diện dễ bị tổn thương nhất: người già hoặc người có sẵn các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng”.

Du khách mang khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ý. Ảnh: AFP

Có thể nói dân số già là một thách thức lớn trong cuộc chiến kiềm lại đà tử vong trong dịch COVID-19 ở Ý, khiến cuộc chiến chống dịch ở nước này thêm phức tạp.

Tuy nhiên theo nữ bác sĩ Ý ở trên, “chúng ta cần khách quan rằng việc gia tăng ca nhiễm không đồng nghĩa số ca nghiêm trọng sẽ tăng”. Giáo sư Galli cũng chỉ ra khía cạnh lạc quan: các ca bệnh ở thanh niên và trẻ em (chiếm phần lớn ca nhiễm ở Ý) thường diễn tiến nhẹ và ít có vấn đề nghiêm trọng.

Virus ở Ý khác với virus ở Trung Quốc?

Từ nghiên cứu tại BV Sacco, GS Galli nhận định virus gây dịch COVID-19 ở Ý có khác với virus gây ra dịch này ở Trung Quốc.

“Rõ ràng, vì đây là một virus RNA, ít nhất nó cũng khác một chút với virus ở Trung Quốc” - theo GS Galli.

Virus RNA là một loại virus có RNA (acid ribonucleic) là chất liệu di truyền. Các bệnh do virus RNA gây ra cho người bao gồm sốt xuất huyết Ebola, hội chứng hô hấp cấp tính SARS, bệnh dại, cảm lạnh, cúm, viêm gan C, bại liệt và sởi.

Một nhân viên y tế tại một chốt kiểm tra dịch COVID-19 ở một bệnh viện ở TP Brescia, vùng Lombardia (YY1). Ảnh: REUTERS

Chưa biết kết quả nghiên cứu này chính xác đến đâu và có ảnh hưởng đến việc Ý có số ca tử vong cao hay không.

Ngoài 148 người chết Ý còn có 3.858 ca nhiễm, trải khắp toàn bộ 22 khu vực của Ý nhưng phần lớn vẫn ở vùng Lombardy. Hiện 10 thị trấn trong vùng này bị phong tỏa hơn một tuần nay. Phần lớn ca nhiễm ở các vùng khác cũng có lịch sử đi lại với vùng Lombardy.

Hàng trăm người đang trong tình trạng nguy kịch phải chăm sóc đặc biệt. Hơn 1.300 trường hợp bệnh ít nghiêm trọng được điều trị tại nhà. Hàng trăm người được điều trị khỏi bệnh.

Tính tới thời điểm này nhà chức trách y tế Ý đã xét nghiệm hàng chục ngàn người, trong số này có Giáo hoàng Francis - người ở tuổi 83. Tuần rồi Giáo hoàng Francis buộc phải hủy một số sự kiện vì bị cảm lạnh. May mắn xét nghiệm cho thấy ông âm tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, theo tin từ báo Il Messaggero.

Nhà hàng vắng vẻ tại quảng trường St. Mark ở Venice (Ý). Ảnh: REUTERS

Có thể thấy Ý đang phải hứng một đợt dịch nghiêm trọng, dù đây là nước đầu tiên trên thế giới cấm bay với Trung Quốc sau khi dịch xảy ra.

“Một số nước cáo buộc chúng ta có những biện pháp quá quyết liệt. Thậm chí dù quyết liệt chủ động, thế nhưng dường như vẫn chưa đủ. Một điều chắc chắn là chúng ta không có cách nào dự báo được dịch hay nhận diện được nó trước khi có người bệnh xuất hiện” - GS Galli nói.

Theo GS Galli, dù Ý có cấm bay từ Trung Quốc thì vẫn có nhiều người từ Trung Quốc tìm cách vào Ý bằng cách bay gián tiếp qua các nước khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm