Dịch COVID-19: Lý do ca nhiễm Trung Quốc giảm, thế giới tăng

Tính tới 19 giờ 30 ngày 3-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận trên thế giới có 3.131 người tử vong vì dịch COVID-19, 92.269 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 2-3, số ca lây nhiễm tăng 2.470 người, số ca tử vong tăng 62 người.

Đến nay, đã có 186 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục, gồm 77 ca ở Iran, 28 ca ở Hàn Quốc, 13 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 52 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, ba ca ở Pháp, một ca ở Philippines, sáu ca ở Mỹ, một ca ở Thái Lan, một ca ở Úc và một ca ở San Marino.

Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 48.439 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 5.813 người so với ngày 2-3.

Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới gấp chín lần TQ

Phát biểu trong họp báo ngày 3-3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm mới COVID-19 trên thế giới đã tăng gần gấp chín lần so với TQ đại lục, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, theo số liệu của WHO, TQ chỉ ghi nhận 206 ca nhiễm mới trong ngày 2-3, thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát cuối tháng 12-2019. Đến tối 3-3, TQ ghi nhận hơn 80.000 ca dương tính với virus.

Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 ngoài đại lục đã vượt mốc 8.700 ca trải khắp 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 186 ca tử vong. Ông Tedros nhấn mạnh khoảng 81% số ca nhiễm này tập trung ở bốn quốc gia Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản.

“Dịch bệnh lây lan ở Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản hiện là lo ngại lớn nhất của chúng tôi. Đây là một loại virus đặc biệt với những đặc điểm đặc biệt. Đây không phải virus cúm. Chúng ta chưa có nhiều hiểu biết về nó” - ông Tedros nói và cho biết thêm rằng nhóm chuyên gia quốc tế đã có mặt tại Iran hôm 1-3 để hỗ trợ và cung cấp trang thiết bị y tế.

Một bệnh nhân COVID-19 được xuất viện sau khi điều trị thành công vẫy tay chào các nhân viên y tế tại BV Leishenshan, TP Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 1-3. Ảnh: CCTV

Giải mã thành công chống dịch của Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Vox sau khi trở về từ chuyến thăm các vùng dịch ở TQ, người đứng đầu nhóm chuyên gia WHO Bruce Aylward đã chia sẻ những khám phá quan trọng của phái đoàn chuyên gia quốc tế về công tác phòng ngừa dịch hiệu quả của Bắc Kinh.

Cụ thể, ông Bruce Aylward cho biết phương pháp ứng phó dịch chính tại 30 tỉnh, thành TQ là phát hiện ca bệnh, truy ra những người có tiếp xúc gần với ca bệnh và tạm dừng mọi hoạt động tụ tập đông người. Dù đây là những biện pháp phổ biến vẫn được áp dụng tại mọi nơi trên thế giới khi cần kiểm soát dịch bệnh nhưng chuyên gia này cho rằng ưu điểm lớn nhất của TQ chính là tốc độ.

“Tất cả nằm ở tốc độ. Càng phát hiện nhanh các ca bệnh và cách ly, đồng thời truy ra những người từng tiếp xúc thì chúng ta càng có thể kiểm soát dịch thành công” - ông Aylward nhấn mạnh.

Cũng theo ông Aylward, một bài học quan trọng khác là chính phủ các nước cần hết sức bình tĩnh xử lý khủng hoảng bùng phát và triển khai các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 một cách có hệ thống từ việc phát hiện ca bệnh cho đến tìm ra người tiếp xúc có liên quan.

15,58 tỉ USD đã được chính phủ TQ chi cho toàn bộ chiến dịch chống dịch COVID-19 tính đến ngày 2-3, Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin. 143 tỉ USD khác cũng được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khôi phục sản xuất. 

Nhiều người đặt ra vấn đề là làm sao có thể phong tỏa được một TP 15 triệu dân như TQ đã làm với Vũ Hán. Câu trả lời của chuyên gia từ WHO như sau: “Người dân của quý vị có hiểu những điều x, y, z về chủng virus này không? Nếu quý vị muốn tăng tốc phản ứng với dịch bệnh, người dân của quý vị phải hiểu về căn bệnh này”.

Đơn cử, ông Aylward cho biết các triệu chứng đầu tiên khi nhiễm COVID-19 là sốt và ho khan. Do rất nhiều căn bệnh khác cũng biểu hiện triệu chứng tương tự, nhiều người vẫn tỏ ra chủ quan hoặc nghĩ là cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, ở TQ, nhân viên y tế sẽ bắt đầu kiểm tra những người bị sốt hoặc ho nhẹ ngay từ đầu, thậm chí một nhóm nhân viên y tế sẽ đến tận nhà làm xét nghiệm và có kết quả cho người bệnh chỉ trong khoảng 4-7 tiếng. Ở đây, vai trò của hệ thống y tế sở tại rất quan trọng để phát hiện và cách ly bệnh nhân kịp thời.

Cuối cùng, điểm ưu việt của TQ dưới góc nhìn của chuyên gia WHO là miễn phí xét nghiệm và điều trị bệnh cho người dân. Chính phủ TQ đã đứng ra chi trả toàn bộ chi phí điều trị COVID-19 cho người dân để ngay cả những người không có bảo hiểm cũng không phải sợ tốn kém mà giấu bệnh. “Các đơn thuốc thường không kéo dài hơn một tháng nhưng với thời điểm dịch bệnh thì họ được tăng thêm ba tháng để hạn chế việc đến bệnh viện nhiều. Đơn thuốc cũng được phép kê online và thông qua mạng xã hội trực tuyến” - ông Bruce Aylward cho biết thêm.

Dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá những nỗ lực lớn của TQ đến nay cũng có thể chỉ làm chậm đà lây lan dịch bệnh chứ chưa thể dập tắt hoàn toàn. “Giống như dập tắt một đám cháy rừng nhưng không dập tắt ngay được. Nó sẽ bùng cháy trở lại. Nhưng điều đó cũng có thể dạy cho thế giới những bài học mới. Chúng ta đang có cơ hội thấy TQ khống chế sự bùng phát trở lại COVID-19 như thế nào” - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Keith Osterholm thuộc ĐH Minnesota (mỹ) bình luận.

Mỹ: Chậm nhất cuối năm 2020 sẽ có thuốc kháng COVID-19

Phát biểu trong họp báo ngày 2-3 (giờ địa phương), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố: “Vaccine có thể không xuất hiện cho tới cuối năm nay hoặc đầu năm sau nhưng thuốc đặc trị cho những người nhiễm COVID-19 có thể xuất hiện vào mùa hè hoặc mùa thu”, theo đài CNN.

Được biết loại thuốc dự kiến tung ra hàng loạt là thuốc remdesivir chống virus được hãng dược phẩm Gilead phát triển. Loại thuốc này đang được dùng điều trị một bệnh nhân Mỹ nhiễm COVID-19 và dự kiến sẽ trải qua hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng tại châu Á.

Tính đến tối 3-3, Mỹ ghi nhận 103 ca dương tính với COVID-19, sáu trường hợp tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm