COVID-19 Ý: Hơn 2.000 người đã tử vong vì đại dịch

Hãng tin AFP cho biết ngày 16-3, toàn nước Ý ghi nhận 27.980 ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, nước này đã xác nhận thêm 249 ca tử vong mới do dịch bệnh, đưa tổng số người tử vong lên con số 2.158, đứng hàng thứ hai sau Trung Quốc đại lục.

Chỉ trong vòng năm ngày, số ca tử vong ở nước này đã tăng lên hơn gấp đôi. Và chỉ trong hai ngày 15 và 16-3, Ý ghi nhận hơn 700 ca tử vong vì đại dịch COVID-19.

Phần lớn các ca tử vong vẫn chủ yếu ở các khu vực phía bắc nước Ý, nơi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Theo đó, trung tâm tài chính của Ý - Lombardy (có thủ phủ là TP Milan) đã ghi nhận 1.420 người, chiếm tổng số 66% số người tử vong.

Quan tài một người chết vì COVID-19 được đưa tới nghĩa trang Monumental của TP Bergamo, vùng Lombardy (Ý). Ảnh: AFP

Còn vùng Piedmont, trong đó có TP Turin, lại chứng kiến số ca tử vong và ca nhiễm bệnh tăng gần gấp đôi trong hai ngày 15 và 16-3. Trước đó, vào ngày 14-3, số ca tử vong và nhiễm bệnh COVID-19 lần lượt là 59 và 873. Đến hôm 16-3, những con số đó đã thay đổi nhanh chóng, với 111 ca tử vong và 1.516 ca nhiễm COVID-19.

Vùng Lazio quanh thủ đô Rome ghi nhận 532 ca nhiễm bệnh, trong đó có 19 ca tử vong, theo AFP.

Chính phủ Ý sẽ tăng cường hỗ trợ khi cần thiết

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói rằng chính phủ Ý sẵn sàng can thiệp một lần nữa khi cần thiết vì các biện pháp đã được phê duyệt đến nay vẫn chưa đủ hiệu quả đến hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

“Các biện pháp vẫn chưa đủ. Thiệt hại từ COVID-19 sẽ nghiêm trọng và lan rộng. Một kế hoạch tái thiết thực sự sẽ rất cần thiết” - ông Conte trả lời phỏng vấn tờ Corriere della Sera của Ý. “Sau khi đại dịch qua đi, chúng ta sẽ phải ngồi lại, viết lại các quy tắc thương mại và thị trường tự do”.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Ảnh: REUTERS

Chính phủ Ý nói rằng kế hoạch hỗ trợ kinh tế sẽ cần khoảng 25 tỉ euro (tương đương 27,94 tỉ USD). Trong cuộc họp ngày 16-3 (giờ Ý), nội các Ý đã phê duyệt các biện pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

“Chúng tôi đang tìm cách điều chỉnh các quy tắc mà sẽ cho phép nền kinh tế đủ sức đối mặt với các chi phí khẩn cấp. Chúng tôi đã sẵn sàng, nếu cần thiết sẽ can thiệp một lần nữa để khởi động lại đất nước” - Thủ tướng Conte nhấn mạnh.

Ông Conte nói rằng không cần thiết phải ban hành một lệnh phong tỏa thêm nữa, mà điều quan trọng là mọi người dân phải tuyệt đối tuân theo các quy tắc hiện hành.

Ngoài ra, theo Reuters, chính phủ Ý vẫn đang gấp rút làm việc để có thêm nguồn cung thiết bị y tế để đối phó với dịch bệnh, nhất là cho vùng Lombardy - khu vực đang chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm một cách nhanh chóng.

Chính trị gia ra ngoài mà không đeo khẩu trang

Cả nước Ý vẫn đang phong tỏa để chống đại dịch thì theo đài Fox News, hôm 16-3 nhà lãnh đạo chính trị cánh hữu Matteo Salvini đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ khi xuất hiện khu vực trung tâm thủ đô Rome mà không đeo khẩu trang, bỏ qua các khuyến cáo của chính phủ về dịch bệnh COVID-19.

Bức ảnh chụp ông Salvini - Lãnh đạo liên đoàn phương Bắc và là cựu phó thủ tướng, đang nắm tay người bạn gái tên là Via Del Tritone trên đường phố Rome. Cả hai đều không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách tối thiếu 1 m. Bức ảnh trên ngay ngày hôm sau đã được đăng trên tờ nhật báo tiếng Ý Messaggero.

Bức ảnh chụp ông Salvini làm dậy sóng dư luận Ý ngày 16-3. Ảnh: FOX NEWS

Phó lãnh đạo đảng Dân chủ trung tả Ý, Michele Bordo, đã buộc tội ông Salvini về thái độ “đạo đức giả” qua bức ảnh trên.

"Ông ấy dành cả ngày trên truyền hình nói rằng cần phải phong tỏa mọi thứ, thì chính ông ấy lại đi khắp thủ đô mà không có bất kỳ lời biện minh hợp lệ nào, vi phạm các quy tắc áp dụng cho các công dân khác. Đó là một dấu hiệu khác về cách người lãnh đạo của liên đoàn tiếp tục tạo niềm vui cho người Ý hay sao? Mọi người đã mệt mỏi với những "màn trình diễn" và lời nói dối trên truyền hình rồi” - ông Bordo chỉ trích ông Salvini.

Ông Salvini cũng đã lên tiếng thừa nhận về bức ảnh trên.

“Vâng, tôi thú nhận. Tôi cùng bạn gái ra cửa hàng tạp hóa bên cạnh mua đồ. Những người đảng cánh tả cũng có thể đến đó mà. Tôi thú nhận tôi đã mua bánh mì, mì ống, sữa và phô-mai” - ông viết trên trang Facebook cá nhân. “Bên cánh tả cũng nên tiết kiệm năng lượng và từng hơi thở để đối phó với những điều có ích hơn trong tình hình dịch bệnh này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm