COVID-19: Thế giới nguy ngập, Mỹ tính chuyện giới nghiêm

Thế giới hiện đã có khoảng 6.500 người chết vì COVID-19 và khoảng 146.000 người nhiễm. Cùng cập nhật tình hình COVID-19 các nước qua ảnh.

Châu Á: Nhiễm ở Đông Nam Á tăng đáng ngại

Kiểm tra hành khách tại sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Người từ nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc nếu từ chối kiểm tra y tế hoặc khai báo gian dối sẽ bị truy tố hình sự, theo báo South China Morning Post. Trung Quốc hiện có hơn 100 ca nhiễm nhập cảnh. Trong 16 ca nhiễm mới của ngày 15-3 thì có tới 12 ca nhiễm nhập cảnh từ các nước khác.

Học sinh đi học lại ngày 16-3 ở TP Quý Dương, tỉnh Quỳ Châu (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Tính đến chiều 15-3 Trung Quốc có 3.213 người chết và 80.860 ca nhiễm, vẫn đứng đầu thế giới về mức độ dịch.

Khử trùng một khu nhà ổ chuột ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc ngày 16-3 ghi nhận thêm năm người chết, đưa tổng số người chết lên 75, chủ yếu người lớn tuổi có bệnh nền. Nước này tiếp tục ghi nhận đà nhiễm giảm dần, với 72 ca nhiễm mới trong ngày 15-3, đưa tổng số ca nhiễm nước này lên 8.236.

Hàn Quốc khuyến cáo người lớn tuổi ở trong nhà “nhiều nhất có thể”.

Người dân mang khẩu trang tại một trạm tàu điện ở Tokyo (Nhật) ngày 15-3. Ảnh: AFP

Nhật đang có 29 người chết (tính cả bảy người trên du thuyền Diamond Princess đậu tại Nhật), 1.508 ca nhiễm (tính cả 696 ca nhiễm trên du thuyền Diamond Princess). Chuyến thăm Anh của Nhật hoàng Naruhito tới đây có thể phải bị hoãn lại vì dịch.

Cảnh sát kiểm tra nhiệt độ dân tại một chốt kiểm soát phong tỏa ở Manila (Philippines) ngày 16-3. Ảnh: AP

Philippines ra lệnh “tăng cường cách ly cộng đồng” toàn bộ đảo Luzon. Tuy nhiên, tối 16-3 Tổng thống Rodrigo Duterte trấn an đây không phải là tình trạng thiết quân luật, không ai được mang súng trừ cảnh sát và binh sĩ, theo báo Inquirer.

Một nhà thờ ở Philippines phải có biện pháp giãn cách tín đồ ngăn lây nhiễm COVID-19. Ảnh: INQUIRER

Philippines có 12 người chết và 142 ca nhiễm.

Khử trùng khu vực đổ rác tại một trường học ở thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Indonesia đã có năm người chết và 134 ca nhiễm. Ngày 16-3 Tổng thống Joko Widodo vẫn khẳng định không tính tới phương án phong tỏa đất nước, thay vào đó người dân nên giữ khoảng cách với nhau để ngăn lây nhiễm.

Mùa dịch COVID-19 vẫn đi cầu nguyện ở Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: EPA

Malaysia đang có một lượng lớn ca nhiễm: 533, phần nhiều liên quan đến một sự kiện tôn giáo có cả 16.000 người tham gia. Ngày 16-3 Malaysia lệnh đóng cửa toàn bộ đền thờ nước này trong 10 ngày để ngăn lây nhiễm.

Người dân Bangkok (Thái Lan) đổ xô mua sắm hàng hóa ngày 15-3. Ảnh: REUTERS

Thái Lan đã có một người chết, 147 ca nhiễm. Nhà chức trách Thái Lan khuyên người dân không đổ xô mua sắm trữ hàng.

Hành khách đến sân bay Changi (Singapore) ngày 16-3. Ảnh: ST

Singapore có tới 17 ca nhiễm mới trong đó có tới 11 ca nhập cảnh. Hiện Singapore đang có 243 ca nhiễm, chưa có ca tử vong.

Người dân Campuchia đọc thông báo về đóng cửa trường học do đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Campuchia cho biết trong ngày 15-3 nước này có thêm bốn ca nhiễm COVID-19. Tính đến trưa 16-3, Campuchia có tổng cộng 12 ca nhiễm, chưa có trường hợp tử vong nào. Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra lệnh công dân không đi du lịch tới châu Âu, Mỹ và Iran, đồng thời cách ly 14 ngày đối với những ai nhập cảnh vào Campuchia từ châu Âu, Mỹ và Iran.

Khử trùng bên ngoài một tàu lửa bên ngoài ngoại ô TP Kolkata, bang West Bengal (Ấn Độ) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Ấn Độ có hai người chết, 114 ca nhiễm. Hiện chính quyền nhiều bang đã lệnh đóng cửa trường học, trung tâm mua sắm, rạp phim, cấm tụ tập.

Xịt rửa một trạm xe buýt ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Người dân tại TP Almaty (Kazakhstan) ngày 16-3. Kazakhstan đã ban hành tình trạng khẩn cấp chống COVID-19. Ảnh: REUTERS

Châu Âu: Ý, Tây Ban Nha nguy ngập

Một bến tàu tại TP Messina, vùng Sicily (Ý) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Tính đến ngày 16-3, Ý có 1.809 người chết và 24.747 ca nhiễm, đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Trong số người chết có kiến trúc sư nổi tiếng Vittorio Gregotti - người thiết kế sân vận động Merassi ở TP Genoa cho World Cup 1990 diễn ra tại Ý. Ông cũng là người thiết kế nhà hát opera Arcimboldi tại Milan, thay thế cho nhà hát opera đầu tiên của châu Âu La Scala khi nhà hát này trùng tu trong giai đoạn 2002-2004. Những điểm nhấn khác trong sự nghiệp của Gregotti bao gồm một khu nhà ở Thượng Hải, Trung tâm Văn hóa Belem ở TP Lisbon (Bồ Đào Nha) và Nhà hát lớn Provence ở Pháp.

Cảnh vắng vẻ tại trạm tàu điện ở Madrid (Tây Ban Nha) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Tây Ban Nha có 303 người chết, 9.191 ca nhiễm tính đến ngày 16-3. Tây Ban Nha đã áp lệnh phong tỏa trên hầu hết cả nước từ tối 14-3, kéo dài 15 ngày và giờ nhà chức trách đang tính kéo dài thêm thời gian phong tỏa.

Người dân Pháp vẫn ra công viên ở Paris ngày 15-3. Ảnh: GETTY IMAGES

Pháp đã có 127 người chết và 5.400 ca nhiễm.

Một cuộc chạy marathon ở TP Bath (Anh) ngày 15-3. Anh vẫn chưa cấm tụ tập đông người dù COVID-19 lan rộng. Ảnh: EPA

Anh đã có 35 người chết, 1.391 người nhiễm.

Ông Florian von der Muelbe - Giám đốc điều hành Công ty dược CureVac (Đức), giải thích về nghiên cứu của công ty về vaccine ngừa COVID-19, ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

Đức có 12 người chết và gần 5.000 ca nhiễm. Đức cho đóng cửa biên giới tạm thời với Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Luxembourg, Đan Mạch. Bộ Kinh tế Đức dự đoán dịch sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế nước này đến tận quý III năm nay. Đức đang cố ngăn vụ Mỹ thuyết phục Công ty dược CureVac của Đức bán bản quyền vaccine ngừa COVID-19 cho Mỹ.

Khử trùng một nhà thờ ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Thổ Nhĩ Kỳ có 18 ca nhiễm và lệnh ngưng mọi buổi lễ cầu nguyện tôn giáo đến khi dịch không còn rủi ro.

Chuẩn bị đi khử trùng ngừa COVID-19 tại TP Sofia (Bulgaria) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Kiểm tra nhiệt độ tài xế lái xe qua biên giới Ba Lan - Lithuania, tại Budzisko (Ba Lan) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Châu Mỹ: Mỹ tính chuyện giới nghiêm toàn quốc vào buổi tối

Đường phố vắng vẻ ở Manhattan, New York (Mỹ) ngày 15-3. Ảnh: REUTERS

Mỹ có 68 người chết, 3.689 ca nhiễm. Số lượng các điểm xét nghiệm COVID-19 tăng mạnh ở Mỹ.

Thành viên đội ứng phó đặc biệt Vệ binh Quốc gia đang đào tạo về đối phó COVID-19 cho nhân viên Bệnh viện Cabbell Huntington, bang West Virginia (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Ngày 16-3, hơn 60 triệu học sinh, sinh viên không đến trường. Các bang Connecticut, New York, New Jersey, Kentucky cấm tụ tập trên 50 người. Theo đài CNN, chính phủ Mỹ đang bàn khả năng ban hành lệnh giới nghiêm toàn quốc vào khung giờ cố định mỗi tối.

Hành khách mang khẩu trang trên chuyến bay từ thủ đô Caracas (Venezuela) sang thủ đô Habana (Cuba) ngày 15-3. Ảnh: REUTERS

Venezuela có 17 ca nhiễm, chưa có người chết. Tổng thống Nicolas Maduro chỉ đạo đóng cửa các cơ sở kinh doanh và yêu cầu người dân ở nhà.

Trung Đông: Iran đứng đầu

Chuẩn bị dung dịch khử trùng ở Tehran (Iran). Ảnh: REUTERS

Số người chết ở Iran đã là 853, gần 15.000 ca nhiễm, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ý. Bộ Y tế đề nghị người dân tránh di chuyển qua lại giữa các tỉnh trong nước.

Cảnh vắng vẻ ở thủ đô Beirut (Lebanon) ngày 15-3. Ảnh: REUTERS

Lebanon đã có 109 người nhiễm. Nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm