COVID-19 thành quân bài để các nước lợi dụng?

Tính đến 7 giờ 30 tối 26-2, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 2.770 người tử vong vì dịch COVID-19 với 81.259 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 25-2, số ca lây nhiễm tăng 931 người.

Đến nay đã có 55 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục, gồm 19 ca ở Iran, 12 ca ở Hàn Quốc, sáu ca ở Nhật (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 12 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, hai ca ở Pháp và một ca ở Philippines.

Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 30.317 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, tăng 2.507 người so với ngày 25-2.

Trong tình hình hiện nay, giới chuyên gia cảnh báo những cường quốc trên thế giới sẽ lợi dụng COVID-19 như một quân bài chính trị để mặc cả và theo đuổi lợi ích ở những quốc gia đang bùng phát dịch, nhất là những nước đối thủ.

Iran-Mỹ tái căng thẳng

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Hassan Rouhani ngày 26-2 tuyên bố COVID-19 nhất định không được trở thành “vũ khí của kẻ thù” cản trở hoạt động kinh doanh ở Iran. Ông Rouhani nhấn mạnh: “Dịch bệnh không nên bị biến thành vũ khí của kẻ thù làm gián đoạn các hoạt động và việc sản xuất trong nước”.

Người đứng đầu Tehran cũng cáo buộc Mỹ cố tình gieo rắc sợ hãi về COVID-19, gây hoang mang trong công chúng nước này. “Chúng ta không được để Mỹ thả cho một loại virus mới lấn át cả virus gây dịch COVID-19 - virus “tột cùng sợ hãi”. Bản thân người Mỹ đang phải vật lộn với dịch bệnh. 16.000 người Mỹ từng chết vì cúm mùa nhưng họ không bao giờ tự nhìn vào nước mình cả” - ông Rouhani nhấn mạnh.

Nhân viên y tế trong khu vực cách ly của một bệnh viện ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản hôm 23-2. Ảnh: AFP

Phát ngôn của ông Rouhani được cho là nhằm đáp trả bình luận cùng ngày của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về khả năng Tehran đang che giấu tình hình dịch bệnh thật sự ở Iran. Cụ thể, ông Pompeo tuyên bố Washington vô cùng quan ngại khả năng Iran cố tình che đậy những chi tiết về sự lây lan của COVID-19, đồng thời ông cũng kêu gọi tất cả quốc gia và tổ chức quốc tế nên “công bố sự thật”.

Ba ngày trước đó, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng từng lên tiếng cáo buộc truyền thông phương Tây đã cản trở người dân nước này tham gia bầu cử Quốc hội, vốn diễn ra từ ngày 21-2. “Những thông tin tuyên truyền tiêu cực về con virus này đã bắt đầu từ cách đây một, hai tháng và sau đó tăng lên ngay trước cuộc bầu cử. Họ thậm chí còn không bỏ lỡ cơ hội nhỏ nhất để ngăn cản người dân đi bỏ phiếu. Những kẻ thù của chúng ta thậm chí phản đối bất kỳ cuộc bầu cử nào của người dân Iran” - ông Ali Khamenei tuyên bố.

COVID-19 thành quân bài để các nước lợi dụng? ảnh 2
 

Dịch bệnh có thể bùng nổ nhưng cục diện chính trị vẫn không thay đổi nhiều, các mối hiềm khích giữa các quốc gia cũng vậy. Chỉ khác là giờ các nước này vừa phải cạnh tranh lẫn nhau, vừa phải giữ cho công dân an toàn trước COVID-19.

TS ADAM HAYTHEMĐH Oxford (Anh) 

Quan hệ Mỹ-Trung mùa dịch COVID-19

Tờ South China Morning Post ngày 26-2 đưa tin TQ vừa ra khuyến cáo công dân không nên đến Mỹ nhằm phản đối các biện pháp phòng dịch quá mức của Washington làm ảnh hưởng đến công dân TQ.

“Gần đây, do các biện pháp phòng dịch quá mức và tình hình an ninh của Mỹ, các du khách TQ nhiều lần bị đối xử bất công tại Mỹ. Bộ Văn hóa và Du lịch khuyến nghị du khách TQ cần nâng cao ý thức an ninh và không đi đến Mỹ” - khuyến cáo nêu rõ.

Giới quan sát cho rằng động thái trên có thể là nhằm đáp trả trực tiếp khuyến cáo tương tự của Mỹ cách đây gần một tháng.

Theo nhận định của South China Morning Post, suốt gần hai tháng chống dịch, sự mất lòng tin giữa hai bên ngày càng gia tăng, thể hiện rõ qua việc Bộ Ngoại giao cùng truyền thông nhà nước TQ liên tục chỉ trích Mỹ không hỗ trợ gì nhiều mà chỉ “gieo rắc hoảng loạn” và “phản ứng thái quá”. Đại sứ TQ tại Mỹ Thôi Thiên Khải từng cảnh báo hồi tháng 1 các bên cần phải “đảm bảo chống lại bất cứ loại virus chính trị nào” bên cạnh cuộc chiến chống virus sinh học.

Dù vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn nhiều lần kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong “cuộc chiến của nhân dân” chống lại COVID-19. Hồi tháng 1, chính phủ Mỹ đề nghị gửi các chuyên gia tham gia nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ và điều tra tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh ban đầu từ chối lời đề nghị đó.

Sau khoảng thời gian trì hoãn hơn hai tuần, chính phủ TQ cuối cùng cho phép nhóm chuyên gia của WHO đến thăm Bắc Kinh, Quảng Đông, Tứ Xuyên để điều tra tình hình dịch COVID-19 kể từ ngày 17-2.

“Giữa lúc thiếu thốn khẩu trang, dụng cụ y tế để dập dịch, TQ chỉ trích Mỹ vì không muốn thể hiện hình ảnh yếu đuối và cần sự giúp đỡ, nhất là từ người Mỹ” - nhà phân tích Adam Ni của trang China Neican bình luận.

Trong khi đó, chuyên gia về Đông Á Wang Zhengxu thuộc ĐH Phục Đán ở Thượng Hải nhận định TQ không nhận thấy sự chân thành của chính phủ Mỹ trong đề nghị hỗ trợ. “Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố ủng hộ TQ nhưng thực tế, ý định hay chiến lược chung của Washington dường như là nhân cơ hội này để gia tăng áp lực với TQ về mặt chính trị” - ông Wang lưu ý.

Lính Mỹ đầu tiên ở Hàn Quốc lây nhiễm COVID-19

Đài CNN dẫn thông báo ngày 26-2 của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho hay một quân nhân Mỹ nhiễm COVID-19. Quân nhân 23 tuổi này đồn trú tại căn cứ tỉnh Bắc Gyeongsang, hiện tự cách ly ở nơi cư trú nằm ngoài căn cứ quân sự. Đây là trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên của quân đội Mỹ.

“Quân nhân (nhiễm virus) tới căn cứ Camp Walker (Daegu) hôm 24-2 và Camp Carroll (Bắc Gyeongsang) từ ngày 21-2 đến 25-2. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KCDC) cùng với các chuyên gia y tế từ lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đang tích cực điều tra để xác định những người có khả năng nhiễm virus (vì tiếp xúc với quân nhân mang mầm bệnh)” - thông báo viết.

Tính đến 19 giờ ngày 26-2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ghi nhận tính đến 18 giờ ngày 25-2 nước này có 1.261 trường hợp lây nhiễm COVID-19 với 12 ca tử vong. Như vậy, chỉ trong 12 giờ, Hàn Quốc tăng thêm 115 ca nhiễm, một ca tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm