COVID-19: Ông Trump được yêu cầu đeo khẩu trang làm gương

Tính đến sáng ngày 29-6 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer ghi nhận toàn thế giới đã có hơn 10,2 triệu ca nhiễm COVID-19. Số trường hợp tử vong vì đại dịch đạt gần 505.000 trong khi số người điều trị thành công vào khoảng 5,5 triệu. 

Hãng tin Reuters dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 75% số bệnh nhân toàn cầu tập trung ở Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và châu Âu. Các nước châu Á chiếm 11%, khu vực Trung Đông chiếm 9% còn lại.  

Hiện nhiều nước đang bắt đầu tái áp đặt các lệnh phong toả nhằm đề phòng đợt lây lan COVID-19 thứ hai. Một số chuyên gia cảnh báo dịch bệnh sẽ còn tiếp tục bùng phát trong nhiều tháng tới và có khả năng kéo dài đến năm sau. 

Mỹ: Số bệnh nhân COVID-19 tăng trở lại, đảng Cộng hoà kêu gọi ông Trump đeo khẩu trang làm gương

Đến sáng ngày 29-6 (giờ Việt Nam), Worldometer ghi nhận trong 24 giờ qua Mỹ có 40.013 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 2.636.550. Số trường hợp tử vong cũng tăng 284 người, dừng ở 128.436.

Đến nay Mỹ vẫn là nước có ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới. 

Sau một thời gian kìm giữ số người nhiễm mỗi ngày ở mức ba con số, tình hình nhiều khu vực ở Mỹ bắt đầu diễn biến xấu trở lại khi ghi nhận hơn 3.000 bệnh nhân mới trong 24 giờ qua như các bang Florida,  California, Texas và Arizona. Đáng chú ý, New York trước đây từng là tâm dịch của Mỹ nay chỉ ghi nhận hơn 800 ca nhiễm mới.

Trả lời đài CNN ngày 28-6, Bộ trưởng Y tế Alex Azar cảnh báo tình hình dịch trở nặng thời qua qua đang khiến cơ hội kiểm soát COVID-19 ở Mỹ dần mất đi.

Nhiều người Mỹ không đeo khẩu trang đến nghe bài phát biểu vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump tại TP Tulsa, bang Oklahoma hôm 20-6. Ảnh: AFP

Ông Azar cũng cho rằng nguyên nhân không phải là quyết định mở cửa lại nền kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump mà là do ý thức chấp hành quy định y tế của người dân không tốt dẫn đến ca nhiễm mới tăng trở lại. 

"Tôi kêu gọi người dân Mỹ nên hành động có trách nhiệm vì nếu chúng ta không giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng và giữ gìn vệ sinh cá nhân thì chúng ta sẽ còn tiếp tục lây lan mầm bệnh" - Bộ trưởng Azar nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, quan chức này từ chối bình luận chi tiết khi CNN đặt câu hỏi tại sao ông Trump là tổng thống mà khi đi vận động tranh cử ở nơi đông người lại không đeo khẩu trang. Theo ông Azar, ông Trump được xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày nên tình hình sức khoẻ vẫn được đảm bảo. 

Dù vậy, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hoà đã bắt đầu lên tiếng kêu gọi ông Trump đeo khẩu trang để làm gương cho người dân Mỹ, đặc biệt là các nghị sĩ thuộc các bang đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. 

"Nếu việc đeo khẩu trang quan trọng đúng như giới chuyên gia đã khuyến nghị thì tôi nghĩ Tổng thống cũng nên đeo để dẹp luồng quan điểm rằng nếu ủng hộ ông Trump thì không đeo khẩu trang, còn nếu đeo thì có quan điểm chống ông Trump" - Thượng nghị sĩ Lamar Alexander phát biểu. 

Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ còn đi xa hơn khi muốn Tổng thống Trump phải ban hành lệnh bắt buộc mang khẩu trang nơi công cộng, thậm chí còn cho rằng phải thi hành ngay lập tức do tình hình đã quá trễ. 

"Chắc chắn là mọi chuyện đã quá trễ rồi. Diễn biến dịch của Mỹ nặng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà ông Trump cứ tuyên bố rằng đang có kết quả khả quan. Tổng thống nên làm gương và đeo khẩu trang. Đàn ông thực sự thì phải đeo khẩu trang" - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho hay.  

Trung Quốc: Thêm 14 ca nhiễm COVID-19 trong nước mới, phong toả gần nửa triệu dân  

Đài CNA ngày 28-6 dẫn nguồn Uỷ ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 14 ca nhiễm COVID-19 nội địa, nâng tổng số số bệnh nhân mới từ tháng 6 đến nay lên 311.

Toàn bộ 14 trường hợp trên đều tập trung ở thủ đô Bắc Kinh và có liên quan đến khu chợ đầu mối Tân Phát Địa - nơi cung cấp khoảng 80% lượng thực phẩm tươi sống cho cư dân ở đây. 

Một trạm xét nghiệm COVID-19 đặt ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Một quan chức Trung Quốc khẳng định tình hình ở Bắc Kinh hiện "rất nghiêm trọng và phức tạp", đồng thời kêu gọi người dân nên ở yên trong thủ đô. 

Đáng chú ý, nhằm ngăn ngừa tái bùng phát đợt dịch mới đe doạ Bắc Kinh, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã cho phong tỏa gần nửa triệu dân tại một huyện thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 150 km. 

Theo Tân Hoa Xã, nhiều doanh nghiệp tại huyện An Tân từng nhiều lần cung cấp thuỷ hải sản cho khu chợ Tân Phát Địa nói trên.  

Tương tự TP Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc trước đây, ,mỗi gia đình tại An Tân chỉ được cử một người ra ngoài một lần trong ngày để mua nhu yếu phẩm và thuốc men. Người dân cũng chỉ được phép rời khỏi nhà để điều trị y tế.

Tờ South China Morning Post cho biết hiện An Tân đã ghi nhận 18 trường hợp nhiễm COVID-19 với năm ca không biểu lộ triệu chứng. 

Tổng thống Indonesia: Sẵn sàng sa thải bộ trưởng, đóng cửa cơ quan yếu kém trong công tác chống dịch

Phát biểu trong phiên họp nội các hôm 28-6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thẳng thừng tuyên bố sẵn sàng sa thải tất cả bộ trưởng và đóng cửa các cơ quan chịu trách nhiệm chống dịch COVID-19 nếu tiếp tục tiếp diễn tình trạng hoạt động không hiệu quả.

Người dân Indonesia đeo khẩu trang xếp hàng tại một siêu thị ở thủ đô Jakarta hồi tháng 4-2020. Ảnh: REUTERS 

"Tôi thấy nhiều người làm việc như thể họ nghĩ mọi chuyện vẫn bình thường. Tôi phải nói là rất khó chịu về việc này. Các người có cảm xúc không vậy? Đây là một cuộc khủng hoảng. Tôi muốn nói rõ luôn là tôi sẵn sàng làm những chuyện khác thường vì 267 triệu người dân, vì đất nước này. Tôi nghĩ kỹ rồi, cho giải tán các phòng ban, thậm chí cải tổ luôn" - ông Widodo gay gắt chỉ trích cấp dưới.

Hãng tin Reuters cho biết việc Tổng thống Joko Widodo nổi nóng làm dư luận rất ngạc nhiên vì lâu nay nhà lãnh đạo này nổi tiếng là người ôn hoà. Dù vậy, phản ứng của ông Widodo không phải không có cơ sở khi đến nay tình hình dịch tại Indonesia chưa có dấu hiệu cải thiện.

Tới sáng ngày 29-6 (Giờ Việt Nam), Worldometer cho biết Indonesia trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 1.198 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 54.010. Số ca tử vong tăng 34 người, lên 2.754. Hiện Indonesia tiếp tục vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á. 

Mới đây, chính phủ của Tổng thống Widodo đã cam kết sẽ chi gần 50 tỉ USD hỗ trợ công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng và trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, quốc gia vạn đảo đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm nay vì đại dịch COVID-19 có thể đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm