COVID-19 Mỹ: Những động thái quyết liệt trong chống dịch

Theo báo South China Morning Post, tính đến sáng ngày 16-3 (giờ Việt Nam), nước Mỹ ghi nhận 2.794 ca nhiễm COVID-19 với 56 ca tử vong. 

Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ hôm 15-3 dự báo số ca nhiễm COVID-19 tại nước này có thể tăng mạnh trong những ngày tới khi chính phủ triển khai sâu rộng chương trình “xét nghiệm drive-thru” (xét nghiệm khi lái xe vẫn còn ngồi trong xe của họ) trên toàn quốc.

Số lượng người nhiễm COVID-19 có thể tăng đột biến

Tiến sĩ Deborah Burke, thành viên trong lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng do Phó Tổng thống Mike Pence lãnh đạo, nói rằng việc tăng đột biến người nhiễm COVID-19 sẽ cho thấy một sự lây lan đã gia tăng, tương tự như Trung Quốc khi tăng cường xét nghiệm.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington, bà Burke cho biết việc xét nghiệm sẽ ưu tiên cho những người cao tuổi - nhóm dân có khả năng miễn dịch dễ bị tổn thương, những người nghi nhiễm COVID-19 và nhân viên y tế tuyến đầu.

Nhân viên y tế thu thập mẫu từ một bệnh nhân theo quy trình "drive-thru" tại TP San Francisco, bang California (Mỹ). Ảnh: BLOOMBERG

Trong khi đó, ông Anthony Fauci, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu, nói với đài NBC News rằng việc triển khai xét nghiệm sâu rộng có nghĩa là “nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới khi việc xét nghiệm đã trở nên phổ biến”.

Theo chuyên gia thử nghiệm về COVID-19 Brett Giroir, khoảng 1,9 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm sẵn sàng được đưa ra trong tuần này, khoảng 2.000 phòng xét nghiệm tư nhân và công cộng đều có khả năng thực hiện xét nghiệm.

Người Mỹ nên bình tĩnh

Ngoài ra, ngày 15-3, Tổng thống Donald Trump đã có một hội nghị trên điện thoại với những giám đốc điều hành của một số chuỗi cửa hàng thực phẩm và nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất nước Mỹ.

Theo đó, ông Trump cho biết các giám đốc điều hành đặc biệt yêu cầu Chính phủ khuyến khích người Mỹ chỉ cần mua các nhu yếu phẩm vì các cửa hàng tạp hóa vẫn luôn mở cửa.

“Các bạn không nên mua nhiều. Cứ bình tĩnh và thư giãn” - ông Trump cũng nói với người dân Mỹ - “Chúng tôi đã nói rằng thời gian mở cửa ở các cửa hàng có thể giảm xuống để làm sạch và bổ sung nhu yếu phẩm. Gia đình các bạn có thể yên tâm rằng các cửa hàng tạp hóa vẫn sẽ luôn mở cửa, mọi thứ sẽ được cung cấp đầy đủ”.

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, ông Anthony Fauci, trả lời phỏng vấn đài NBC. Ảnh: NBC NEWS

Đồng quan điểm, trên đài NBC News, ông Fauci cũng nói rằng người Mỹ cũng nên “bình tĩnh” vì “đất nước chúng ta đang nỗ lực chống lại sự bùng phát dịch bệnh”.

"Người Mỹ nên giảm bớt căng thẳng” - ông Fauci nói - “Người cao tuổi và những người bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên được chú trọng quan tâm hơn”.

Mặc dù thừa nhận rằng 13.000 khẩu trang trong kho dự trữ của Mỹ có thể không đủ nếu số lượng ca bệnh tại nước này tăng vọt, nhưng ông Fauci tin tưởng nước Mỹ sẽ bổ sung và kho dự trữ quốc gia sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt này, theo NBC News.

Hỗn loạn tại sân bay 

Một sự kiện khiến cả nước Mỹ cũng xôn xao khi các sân bay lớn của nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn khi người Mỹ “lũ lượt” trở về nhà từ tâm dịch châu Âu. Sự việc khiến các nhà chức trách xử lý không kịp trước sự gia tăng đột biến này, theo hãng tin AFP.

Rất nhiều hành khách vô cùng thất vọng và phàn nàn khi phải chờ đợi hàng giờ trong tình trạng đông đúc, mất vệ sinh, xáo trộn trong việc kiểm tra thân nhiệt.

Rất đông người dân Mỹ phải chờ đợi để đi qua cửa nhập cảnh tại sân bay quốc tế Dallas Fort Worth ở TP Grapevine, bang Texas hôm 15-3. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Ông Mark Morgan, quyền Ủy viên của Cục Hải quan và Biên giới Mỹ (CBP, trong một tuyên bố sáng 15-3), cho biết: “Chúng tôi vô cùng cảm kích sự kiên nhẫn của công chúng khi trở về, bởi vì chúng tôi cố gắng giải quyết tình trạng chưa từng có này. Chúng tôi tiếp tục cân bằng hiệu quả việc đảm bảo sức khỏe và an toàn của mọi công dân Mỹ bằng việc quét thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe”.

Tổng thống Trump cũng nhanh chóng phản ứng về sự “hỗn loạn, đông đúc” tại các sân bay.

"Nước Mỹ đang thực hiện kiểm tra y tế rất chính xác tại các sân bay. Xin lỗi vì sự gián đoạn và chậm trễ. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh đến mức có thể, nhưng điều quan trọng là phải cảnh giác và thận trọng” - ông Trump viết trên Twitter - "Chúng tôi phải làm cho đúng. An toàn là trên hết!".

Twitter của ông Trump nói về tình trạng đông đúc tại các sân bay. Ảnh: TWITTER

Nói về việc cấm nhập cảnh từ châu Âu, Thống đốc bang Illinois - JB Pritzker nói rằng: "Đó là điều mà chúng tôi đang nghiêm túc xem xét".

Ông Pritzker cũng có những lời chỉ trích về cách xử lý khủng hoảng của chính phủ khi phần nào tạo ra sự hỗn loạn tại sân bay O'Hare ở TP Chicago, bang Illinois. "Các ông cần phải làm một cái gì đó ngay bây giờ” - ông Pritzker nói, theo AFP.

Đến giữa trưa 15-3, hành khách đến sân bay O'Hare nói rằng việc nhập cảnh và kiểm tra thân nhiệt có phần đỡ hơn sau buổi sáng “ngập tràn” người.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin Văn phòng báo chí Nhà Trắng rằng ông Trump đã nói chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson về những hạn chế nhập cảnh đối với người châu Âu đến Mỹ.

Cấm đi lại trong nội địa nước Mỹ?

Tổng thống Trump nói rằng việc đi lại không cần thiết nên hạn chế, và cho biết các quan chức cũng đang xem xét áp đặt các hạn chế đi lại trong nội địa.

"Nếu bạn không đi đâu thì tôi sẽ không làm điều đó (áp đặt lệnh cấm)" - ông Trump nhấn mạnh trong cuộc họp hôm 15-3 - "Chúng tôi muốn điều này kết thúc. Chúng tôi không muốn nhiều người bị nhiễm bệnh".

Về phần mình, khi được hỏi liệu chính phủ có nên áp dụng việc phong tỏa trong 14 ngày để ngăn đại dịch, chuyên gia Fauci nói rằng: "Tôi nghĩ chính phủ cần làm nhiều nhất có thể. Tôi nghĩ chính phủ cần phải năng nổ và chấp nhận các lời chỉ trích vì phản ứng thái quá”.

Ông Fauci nói rằng nghi rằng trong tương lai sẽ không hạn chế việc đi lại trong nước, nhưng vẫn cảnh báo nếu không thực hiện, dịch bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn, theo đài NBC.

Đóng cửa trường học

Tại New York, các quan chức gây áp lực, kêu gọi Thống đốc Andrew Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio xem xét đóng cửa các trường học, nhà hàng và quán bar sau khi các thành phố và các bang khác đã thực hiện việc này.

New York sẽ đóng cửa hệ thống trường công lập lớn nhất quốc gia bắt đầu từ ngày 16-3, với việc hơn 1,1 triệu trẻ em phải ở nhà.

Các trường học tại New York sẽ bắt đầu đóng cửa để ngăn lây lan dịch bệnh từ ngày 16-3. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo Thị trưởng Bill de Blasio, việc đóng cửa gần 1.900 trường công lập sẽ kéo dài đến ngày 20-4 và có thể đến khi kết thúc năm học. Trước đó, nhiều trường tư đã cho đóng cửa hoàn toàn. 

Trên Twitter hôm 15-3, Thống đốc Cuomo kêu gọi công chúng nên giữ khoảng cách ở những nơi đông người. “Chúng ta chỉ có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách tránh xa nơi đông người. Quyết định mà mỗi chúng ta làm bây giờ sẽ tác động đến tất cả chúng ta trong tương lai. Mọi người nên ở nhà” - ông viết.

Các biện pháp quyết liệt của FED

Báo South China Morning Post cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 15-3 tuyên bố cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 nhằm giảm bớt áp lực lên kinh tế do đại dịch COVID-19.

Tỉ lệ trên các quỹ ngắn hạn đã được hạ xuống 1 điểm phần trăm xuống mức 0% đến 0,25%, theo ngân hàng trung ương Mỹ.

“Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây tổn hại cho cộng đồng và làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ. FED sẽ tiếp tục theo dõi tác động của dịch bệnh đối với kinh tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển toàn cầu và áp lực lạm phát. FED cũng sẽ sử dụng các công cụ của mình và hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế”, theo tuyên bố của FED.

Để hỗ trợ hoạt động thị trường, FED cũng sẽ việc nắm cổ phần các khoản nợ chịu lãi của chính phủ Mỹ do kho bạc phát hành ít nhất 500 tỉ USD và nắm giữ chứng khoán được các cơ quan thế chấp khoảng 200 tỉ USD.

Các giao dịch đó sẽ diễn ra trong vài tháng tới, FED cho biết.

“Tôi rất vui và FED đã làm điều đó trong một bước. Họ không làm điều đó trong bốn bước trong một khoảng thời gian dài, mà chỉ làm có một bước” - ông Trump bày tỏ trước động thái của FED - “Tôi nghĩ rằng mọi người cũng có thể đang rất hồi hộp về thị trường”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm