COVID-19 lan tới Idlib như sóng thần,100.000 người có thể chết

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo COVID-19 đang lan sang tỉnh Idlib thuộc tây bắc Syria như một “cơn sóng thần di chuyển chậm” và có thể cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người.

Tỉnh Idlib có khoảng 3 triệu dân và đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc men cực độ. Idlib được xem là một trong những nơi thiếu phòng bị trước dịch COVID-19 nhất.

Thoát chết nhiều lần trong chiến tranh nhưng không thoát được COVID-19

Mọi thứ bà Fatima Um Ali cần để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi đại dịch COVID-19 đang ngoài tầm với. Không có nước máy, xà phòng thì đắt đỏ, nước sát khuẩn tay thì là xa xỉ phẩm không thể nào mua nổi.

“Chúng tôi đã cố gắng trong khả năng hạn chế của mình để giữ vệ sinh sạch sẽ. Tất cả dung dịch sát khuẩn, vật liệu làm sạch mà các bạn đang nói tới chúng tôi không thể mua được” - bà Um Ali nói với CNN.

Gia đình bà Fatima Um Ali gần như không có nước hay vật dụng vệ sinh nào để giúp họ ngăn dịch COVID-19. Ảnh: CNN

Bà Um Ali sống trong một khu trại dựng lên giữa cánh đồng, lùm cây ô liu và những ngọn đồi của tỉnh Idlib thuộc tây bắc Syria do phe nổi dậy kiểm soát. Phần lớn trẻ em ở đây bị sổ mũi do sống trong điều kiện khắc nghiệt.

Gia đình bà Um Ali đã nhiều lần thoát chết trong cuộc xung đột kéo dài đã chín năm nay ở Syria. Gia đình bà chạy nạn khi chính phủ Syria tấn công vào tỉnh Hama lúc cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này mới bắt đầu năm 2011. Gia đình bà di tản từ thị trấn này đến thị trấn khác khi cuộc chiến ngày càng căng thẳng.

Tuy nhiên, họ không thể chạy thoát khỏi đại dịch toàn cầu COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo COVID-19 đang lan sang tỉnh bị chiến tranh tàn phá này như một “cơn sóng thần di chuyển chậm” và có thể cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người.

Tỉnh Idlib có khoảng 3 triệu dân và đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc men cực độ. Idlib được xem là một trong những nơi thiếu phòng bị trước dịch COVID-19 nhất.

Dịch COVID-19 lan tới Idlib như cơn sóng thần

Các cơ sở y tế ở Idlib đã bị tàn phá trong các cuộc tấn công trong nhiều năm qua. Đội ngũ bác sĩ mỏng, còn giường bệnh thì thiếu thốn. Một cuộc tấn công được Nga và Iran hậu thuẫn mà chính phủ Syria phát động hồi tháng 12-2019 đã tạo thêm áp lực lên các cơ sở y tế vốn đã tồi tàn. Một loạt cuộc tấn công mới nhất này cũng buộc gần 1 triệu người rời bỏ nhà cửa, đẩy hàng chục ngàn gia đình vào những khu trại tạm bợ không có cơ sở hạ tầng và điều kiện ngày càng mất vệ sinh.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo này có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có khi dịch COVID-19 lan sang tây bắc Syria, bác sĩ Munther Khalil làm việc tại Tổng cục Y tế Idlib (IHD) do phe nổi dậy kiểm soát nhận định.

 “Chúng tôi không biết liệu chúng tôi có nhiễm COVID-19 hay chưa nhưng chúng tôi dự đoán một cơn sóng thần với số người chết cao do thiếu cơ sở hạ tầng y tế” - ông Khalil nói.

Các bác sĩ đang nâng cao nhận thức về các yêu cầu vệ sinh nhưng điều này thật khó đối với người dân đang quay cuồng vì ảnh hưởng của chiến tranh.

“Họ đã đi qua bom đạn, qua các cuộc tấn công hóa học, đi qua cái chết, vì vậy họ đã đón nhận cái chết” - ông Khalil nói.

Thiếu cơ sở hạ tầng nghiêm trọng, 100.000 người có thể chết

Theo IHD, chỉ có 1,4 bác sĩ trong số 10.000 người tại Idlib. Các bệnh viện đã hoạt động quá công suất với tỉ suất sử dụng trung bình 150%. Chỉ có khoảng 100 máy thở dành cho người lớn ở những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát tại Syria, bao gồm tỉnh Idlib và các vùng nông thôn của các tỉnh lân cận, và có chưa tới 200 giường bệnh trong khu chăm sóc tích cực.

Khi COVID-19 lan rộng qua khu vực Idlib, hơn 100.000 người có thể chết, ông Khalil dự đoán.

Bác sĩ Mohammed Shahem Makki là người duy nhất ở Idlib (Syria) có thể tiến hành các cuộc xét nghiệm. Ảnh: CNN

Mạng lưới phản ứng khẩn cấp và cảnh báo sớm (EWARN) - tổ chức giám sát dịch bệnh duy nhất đang hoạt động ở Idlib của Syria cho hay dựa vào tỉ lệ lây nhiễm toàn cầu, có khoảng 40%-70% dân số Idlib có thể nhiễm COVID-19.

Theo những ước tính này, ít nhất 1,2 triệu người ở Idlib có thể mắc COVID-19, BS Naser Mhawish - điều phối viên giám sát của EWARN cho hay.

Việc xét nghiệm COVID-19 - một yếu tố quan trọng khác trong cuộc chiến chống sự lây lan của dịch bệnh này đã bắt đầu chậm.

Trong tất cả khu vực của Syria do phe đối lập kiểm soát, chỉ có một bác sĩ và một thiết bị có thể tiến hành xét nghiệm COVID-19. Sau nhiều tuần chờ đợi, 300 bộ xét nghiệm do EWARN mua riêng từ một nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ đã đến phòng thí nghiệm của bệnh viện trung ương Idlib hôm 25-3. Tính đến nay, họ đã xét nghiệm bốn trường hợp nghi nhiễm COVID-19 và tất cả cho kết quả âm tính.

WHO cho hay họ cũng sẽ cung cấp một số bộ dụng cụ xét nghiệm tới khu vực do phe đối lập kiểm soát ở Syria. Theo các chuyên gia y tế trong khu vực, số thiết bị này chưa tới.

WHO cũng đã hứng chỉ trích vì phản ứng chậm chạp với khả năng đại dịch tấn công các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát, trong khi thực hiện các cuộc xét nghiệm cho Damascus.

“Virus Corona và hậu virus Corona - sự thống khổ trong khu vực này sẽ tiếp tục và chẳng ai làm những gì họ phải làm để ngăn chặn thảm họa này. Nói chung chúng tôi nghĩ rằng WHO và một số nhà tài trợ họ không quan tâm nhiều tới khu vực này” - ông Khalil nói.

Theo ông Rick Brennan - Giám đốc khẩn cấp khu vực của WHO, cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria đã làm phức tạp phản ứng khẩn cấp y tế.

“Sự trì trệ trong cung cấp bộ kit xét nghiệm cho tây bắc Syria không hề có ý ủng hộ bên này hơn bên kia của cuộc xung đột như nhiều người đã nói. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để đảm bảo mọi thứ đang sẵn sàng” - ông Brennan nói.

Ngay cả trong các khu vực do chính phủ Syria kiểm soát, năng lực xét nghiệm vẫn còn thấp. Syria chỉ ghi nhận năm ca nhiễm COVID-19 song các chuyên gia dự đoán khả năng lây lan lớn hơn.

Damascus đã nhận 1.200 bộ kit xét nghiệm từ WHO. Theo đại diện WHO tại Damascus - bác sĩ Nima Saeed Abid, 300 bộ trong số 1.200 bộ kít xét nghiệm đã được sử dụng.

WHO đánh giá tất cả khu vực của Syria đều có nguy cơ rất cao trong trường hợp bùng phát dịch COVID-19. Syria là nước có số người tị nạn ngay tại quê hương cao nhất thế giới và cuộc chiến tranh ở đây đã giáng một đòn nặng nề vào lĩnh vực y tế của nước này.

Các thành viên tổ chức Mũ bảo hiểm trắng xịt khử trùng ở Idlib. Ảnh: CNN

Nhóm cứu trợ Mũ bảo hiểm trắng, tên chính thức là Phòng vệ Dân sự Syria, lần nữa ở tuyến đầu. Đã quen với việc kéo người dân mắc kẹt khỏi đống đổ nát sau các cuộc không kích tại các thị trấn, những người cứu nạn Mũ bảo hiểm trắng giờ đang mặc những bộ đồ phòng dịch.

“Đại dịch này khiến đầu óc tôi bận rộn mọi lúc, công việc của chúng tôi đã thay đổi và đây là điều mà chúng tôi không quen làm” - Laith Abdullah, một tình nguyện viên của Mỹ bảo hiểm trắng nói.

Nhóm này đã đào tạo lại các tình nguyện viên để chiến đấu chống kẻ tấn công mới vô hình. Các tình nguyện viên của Mũ bảo hiểm trắng đã khử trùng trường học, nơi trú ẩn và khu trại của những người tị nạn như một biện pháp phòng ngừa chống lại sự lây lan virus SARS-CoV-2. Họ cũng đã giúp thiết lập các cơ sở cách ly bằng nguồn lực hạn chế.

 “Tôi hoang mang và lo lắng vì năng lực của chúng tôi đang bị phân tán khi vừa đối phó với virus Corona vừa lo một cuộc tấn công tiềm năng của chính phủ Syria xảy ra cùng một lúc” - Ahmad Abu al-Nour, một tình nguyện viên khác cho biết.

Một nỗ lực nhân đạo quan trọng ở Idlib là nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn COVID-19 lây lan. Tổ chức viện trợ Thổ Nhĩ Kỳ IHH đã đi từ lều này đến lều khác giải thích về các biện pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Các tổ chức phi chính phủ địa phương khác cũng đang làm công việc tương tự. Tuy nhiên, việc không có cơ sở hạ tầng cơ bản khiến cho việc phát tờ rơi tuyên truyền về tầm quan trọng của việc rửa tay khó thực hiện.

Phó mặc số phận

Trở lại trại tị nạn tạm bợ, bà Um Ali bước ra khỏi lều và chỉ vào một thùng nhựa màu xanh rỗng. Thùng đó là khoản phân bổ nước cho gia đình bà. Mỗi ngày sẽ có một xe tải chở nước đến đây một lần để phân phát nước. Tuy nhiên hôm nay, xe nước không đến và chiếc thùng đựng nước nhà bà trống trơn.

Những người tị nạn Syria tại một trại mới dựng ở tỉnh Idlib hôm 22-2. Ảnh: GETTY

 “Khi ai đó trải qua mọi thứ mà chúng tôi đã trải qua từ di tản chạy nạn cho tới các trận ném bom, bạn nghĩ một loại virus sẽ tạo ra khác biệt nhiều sao?” - bà Um Ali nói.

Bà đã phó mặc cho số phận của mình và quyết định nắm lấy đức tin của mình.

 “Tôi sợ chúng tôi sẽ nhiễm bệnh giống như những người khác trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng không sợ bởi vì trong chúng tôi có Chúa” - bà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm