COVID-19 Hàn Quốc: Nhiễm mới giảm nhưng lo ngại thủ đô Seoul

Hàn Quốc sáng 6-4 cho biết lần đầu tiên ghi nhận có ít hơn 50 ca nhiễm mới COVID-19 kể từ đỉnh điểm dịch hôm 29-2, theo hãng tin Reuters.

Theo Reuters, với xu hướng giảm về số ca nhiễm mới (ở mức bằng hoặc xấp xỉ 100 ca), Hàn Quốc được cho là đã kiểm soát được dịch bệnh.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tính đến sáng 6-4, quốc gia này có 10.284 ca nhiễm và 186 ca tử vong vì COVID-19.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc chỉ có 47 ca nhiễm mới. Con số này thấp gần bằng một nửa so với một ngày trước đó (81 ca nhiễm mới). Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận các ca nhiễm mới hằng ngày ở mức dưới 50.

TP Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chỉ ghi nhận lần lượt là 13 và hai ca nhiễm mới. Hiện tổng số người nhiễm COVID-19 ở Daegu và Bắc Gyeongsang theo thứ tự là 6.781 và 1.316.

Về số ca tử vong mới, Hàn Quốc cũng chỉ có ba ca vào ngày 5-4. Con số này giảm nhiều so với ngày trước đó với 13 ca.

Trong khi đó, KCDC cho biết 135 người đã bình phục, nâng tổng số người khỏi bệnh lên đến mức 6.598 người.

Nguy cơ lây lan từ các ổ dịch nhỏ

Tuy nhiên, những ổ dịch nhỏ tại các nhà thờ, bệnh viện và viện dưỡng lão vẫn tiếp tục xảy ra, cũng như xuất hiện càng nhiều ca bệnh “nhập cảnh”.

Theo hãng tin Yonhap, ngày 5-4, ngay tại các điểm sàng lọc ở biên giới, Hàn Quốc phát hiện bảy ca nhiễm mới có nguồn gốc từ nước ngoài. Tổng số các ca bệnh “nhập cảnh” ở nước này đang ở mức 769 ca.

Hành khách có mặt tại sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) sáng 6-4. Ảnh: YONHAP NEWS

Chính vì thế, chính phủ Hàn Quốc từ ngày 6-4 tiếp tục thắt chặt, kéo dài biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần nữa, tức đến hết ngày 19-4.

Cảnh báo Seoul có thể thành "New York thứ hai"

Mặc dù số ca nhiễm mới COVID-19 hằng ngày trên toàn Hàn Quốc đang trên đà giảm nhưng giới chuyên gia cảnh báo sự gia tăng liên tục các ca nhiễm mới tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh mới cho chính quyền y tế Hàn Quốc, theo Yonhap News.

Vùng thủ đô Seoul (trong đó gồm các tỉnh tiếp giáp như Gyeonggi và Incheon với gần 50% dân số của Hàn Quốc) đã có tổng số ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 6-4 đạt đỉnh 1.200 ca, chỉ chiếm khoảng 12% so với tổng số ca nhiễm toàn quốc.

Thế nhưng ghi nhận trong năm ngày qua, số ca nhiễm mới tại vùng thủ đô lại tăng mạnh, chiếm gần tới 45% số ca nhiễm mới hằng ngày của đất nước.

Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Saint. Mary ở TP Uijeongbu, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc). Ảnh: YONHAP NEWS

Các chuyên gia cảnh báo các ca nhiễm mới tại vùng thủ đô có thể gây ra một làn sóng lây nhiễm mới và có thể gây ra sự lây lan nhanh chóng trong cộng đồng nếu giới chức y tế không kiểm soát lây nhiễm tại các bệnh viện.

“Số ca nhiễm COVID-19 ở vùng thủ đô Seoul tiếp tục tăng lên và có thể “bùng phát” bất kỳ lúc nào nếu số ca nhiễm mới hằng ngày trên toàn quốc dao động quanh mức 100 ca” -  ông Jung Ki-suck - cựu lãnh đao của KCDC và hiện là bác sĩ tại Bệnh viện Thánh tâm của Đại học Hallym, cho biết.

"Như tại New York (Mỹ), phải mất một thời gian dài để số ca nhiễm tăng đến mức 10.000 nhưng sau đó đã nhanh chóng tăng vọt tới 100.000 ca”.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng nguồn cung y tế cho vùng thủ đô sẽ gặp khó khăn nếu xảy ra tình trạng nhiễm bệnh hàng loạt. Tình trạng này cũng xảy ra tại TP Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang trước đây.

Nhà dịch tễ học Chun Byung-Chul tại Đại học Hàn Quốc cho biết: "Nếu có nhiễm bệnh hàng loạt ở các khu vực khác, vùng thủ đô sẽ cử nhân viên y tế và cung ứng vật tư y tế cần thiết. Nhưng nếu thủ đô xuất hiện việc nhiễm bệnh hàng loạt thì các vùng khác lại không thể giúp đỡ vì họ thiếu năng lực y tế”.

Trung tâm Y tế Asan ở Seoul, nơi có một bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Ảnh: YONHAP NEWS

Theo các chuyên gia, giới chức y tế cũng phải đặc biệt chú ý đến các bệnh viện và các viện dưỡng lão ở thủ đô bởi một khi những nơi này có người nhiễm bệnh sẽ tạo nên tỉ lệ tử vong cao.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ điều động nhân viên kiểm dịch đến các cơ sở chăm sóc người lớn tuổi và các viện dưỡng lão để theo dõi cư dân ở đó có biểu hiện triệu chứng nhiễm COVID-19 hay không.

Ngoài ra, giới chức y tế đang xem xét việc xét nghiệm COVID-19 cho những cư dân tại các viện dưỡng lão. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt của ngành y tế là phát hiện có trường hợp lây nhiễm không rõ ràng tại đây hay không, theo Yonhap News.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm