COVID-19 Châu Âu: Tây Ban Nha thành ổ dịch lớn thứ ba thế giới

Ý 47.027 ca nhiễm, trong đó tới 4.032 người chết, 37.860 người còn nằm viện (2.655 người nguy kịch), 5.129 người xuất viện.

Một người được kiểm tra nhiệt độ trước một con tàu được trưng dung làm bệnh viện chữa trị bệnh nhân COVID-19 ở TP Genoa, cùng Liguria (Ý). Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Ý được triển khai đưa thi thể người chết tới nghĩa trang chôn cất, theo hãng tin Reuters. Đức cho biết sẵn sàng huy động quân đội hỗ trợ.

Tây Ban Nha 24.926 ca nhiễm, trong đó 1.236 người chết, 21.475 người còn nằm viện (939 người nguy kịch), 2.125 người xuất viện.

Với số người nhiễm tăng mạnh, Tây Ban Nha đã vượt qua Iran trở thành nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ý. Đáng ngại hơn, theo Reuters, Tây Ban Nha đang tiến rất nhanh trên con đường mà Ý đã đi qua, khi tốc độ tử vong chưa có dấu hiệu chậm lại.

Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ tuần trước. Hơn 30.000 người đã bị phạt và 300 người bị bắt vì vi phạm trong tuần qua.

Nhân viên nhà thuốc hát thể hiện lòng biết ơn với các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 ở thị trấn Ronda, tỉnh Málaga (Tây Ban Nha) ngày 20-3. Ảnh: REUTERS

Tây Ban Nha ngày 20-3 cho biết sẽ trưng dụng một trung tâm hội nghị ở Madrid thành một bệnh viện quân đội dã chiến rộng 240.000m2 và 5.500 giường bệnh điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Chính phủ cũng hứa sẽ có biện pháp bảo vệ người già và nhân viên các viện dưỡng lão.

Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết một số bệnh viện đang thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị trên một số bệnh nhân. Bộ Khoa học nước này cho biết hiện đang khẩn trương nghiên cứu vaccine ngừa.

Đức 20.705 ca nhiễm, trong đó 72 người chết, 20.424 người còn nằm viện (2 người nguy kịch), 209 người xuất viện.

Nhân viên y tế trước một bệnh viện ở TP Magdeburg (Đức) ngày 21-3. Ảnh: AP

Ngày 21-3, chính quyền các bang Bavaria và Saarland ra lệnh người dân ở yên trong nhà 15 ngày. Ngày mai (22-3), dự kiến Thủ tướng Angela Merkel sẽ có cuộc gặp với các thống đốc 16 bang bàn phối hợp hành động cả nước để hạn chế đà lây. Ngày 20-3 chính phủ Đức cảnh cáo người dân hoặc tuân thủ các yêu cầu giữ khoảng cách, không tụ tập, hoặc chính phủ sẽ áp lệnh giới nghiêm.

Pháp 12.612 ca nhiễm, trong đó 450 người chết, 10,575 người còn nằm viện (1.297 người nguy kịch), 1.587 người xuất viện.

Tại Paris, cảnh sát được triển khai ngăn người dân tụ tập ở các khu vực sông Seine, tháp Eiffel, các công viên. Tối 21-3 Pháp áp lệnh giới nghiêm tại TP Nice (từ 11 giờ khuya đến 5 giờ sáng hôm sau).

Hiện ở Paris, nhà chức trách y tế đang khẩn trương sắp xếp thêm nguồn giường bệnh, máy trợ thở, nhân viên y tế, chuẩn bị cho kịch bản lượng bệnh nhân tăng cao khi dịch ở nước này đạt đỉnh vào đầu tháng 4, Reuters dẫn lời một số bác sĩ ở Paris.

Thụy Sĩ 6.186 ca nhiễm, trong đó 58 người chết, 6.113 người còn nằm viện (141 người nguy kịch), 15 người xuất viện.

Anh 3.983 ca nhiễm, trong đó 177 người chết, 3.741 người còn nằm viện (20 người nguy kịch), 65 người xuất viện.

Ngày 20-3 Thủ tướng Boris Johnson lệnh phong tỏa đi lại, đóng cửa các địa điểm giải trí như câu lạc bộ, nhà hàng, nhà hát, rạp phim …sau tối 20-3 và chưa biết ngày mở lại. Tại London, trường học và tàu điện ngầm ngưng hoạt động. Nữ hoàng Elizabeth 93 tuổi kêu gọi người dân giữ khoảng cách ngăn lây nhiễm.

Dân Anh vẫn đi bar ở TP Newcastle (Anh) tối 20-3, mặc dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Hà Lan 3.631 ca nhiễm, trong đó 136 người chết, 3.493 người còn nằm viện (210 người nguy kịch), 2 người xuất viện.

Bỉ 2.825 người nhiễm, trong đó 67 người chết, 2.485 người còn nằm viện (288 người nguy kịch), 263 người xuất viện. Tình hình những ngày tới sẽ “cực kỳ căng thẳng”, Reuters dẫn nhận định từ Bộ Y tế Bỉ.

Nhân viên y tế di chuyển một máy trợ thở trong khuôn viên một bệnh viên ở thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 20-3. Ảnh: REUTERS

Chính phủ Bỉ quyết định sẽ chi khẩn 1 tỉ euro hỗ trợ các bệnh viện chống dịch, Reuters cho biết. Bỉ đã áp lệnh phong tỏa từ ngày 18-3.

Áo 2.719 ca nhiễm, trong đó 7 người chết, 2.703 người còn nằm viện (15 người nguy kịch), 9 người xuất viện.

NaUy 1.997 ca nhiễm, trong đó 7 người chết, 1.989 người nằm viện (27 người nguy kịch),1 người xuất viện.

Thụy Điển 1.746 ca nhiễm, trong đó 20 người chết, 1.710 người còn nằm viện (69 người nguy kịch), 16 người xuất viện.

Đan Mạch 1.326 ca nhiễm, trong đó 13 người chết, 1.312 người còn nằm viện (42 người nguy kịch), 1 người xuất viện.

Bồ Đào Nha 1.280 ca nhiễm, trong đó 12 người chết, 1.263 người còn nằm viện (26 người nguy kịch), 5 người xuất viện.

Bệnh viện đại học Maastricht (Bồ Đào Nha) dựng lều (giữa hai tòa nhà) cách ly người nghi nhiễm COVID-19. Ảnh: REUTERS

Bồ Đào Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 18-3.

Luxembourg 670 ca nhiễm, trong đó có 8 người chết, 656 người còn nằm viện, 13 người xuất viện.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm