COVID-19: Áp lực mở cửa kinh tế đè nặng chính trường Mỹ

Cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đang đối diện với một thách thức mới: Trong khi nhiều chính phủ muốn duy trì các lệnh phong tỏa để kiềm chế sự lây lan của COVID-19 thì giới doanh nghiệp lại muốn tái mở cửa nền kinh tế giữa những lo ngại về một cuộc suy thoái.

Tại Mỹ, áp lực đang ngày càng rõ nét. Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố một số khu vực nếu ghi nhận số ca nhiễm mới giảm trong 14 ngày liên tiếp đã sẵn sàng để từng bước quay trở lại cuộc sống bình thường. “Chúng ta sẽ gây dựng lại nền kinh tế một lần nữa theo cách an toàn, có cấu trúc, có cơ sở khoa học và vô cùng thận trọng” - Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Lãnh đạo quyết tâm

Theo hãng tin Reuters, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 18-4 cho biết đã hợp tác với các bang bờ Đông khác, gồm New Jersey, Connecticut, Delaware, Pennsylvania, Rhode Island và Massachusetts để đưa ra các chiến lược tốt nhất nhằm nới lỏng các lệnh hạn chế, giãn cách xã hội được áp đặt từ tháng trước để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, đài CNBC cho hay.

Ông Cuomo nhận định việc giải quyết tình hình y tế công cộng và phát triển kinh tế đều là hai vấn đề quan trọng hàng đầu. Trong khi đó, các thống đốc của ba bang bờ Tây nước Mỹ là California, Oregon và Washington thông báo đang cùng nhau chia sẻ cách thức nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Các bang này cho biết sẽ mở cửa lại nền kinh tế ở quy mô lớn nếu nhận thấy tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 giảm.

Tuy nhiên, thống đốc 10 bang trên vẫn chưa đưa ra thời gian cụ thể để dừng các biện pháp giãn cách xã hội. Họ nhấn mạnh rằng các quyết định về thời gian và cách thức mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh không thiết yếu cùng với trường học phải đặt vấn đề sức khỏe của người dân lên hàng đầu và dựa vào các thông tin khoa học.

Tổng thống Donald Trump trong họp báo tình hình COVID-19 ngày 16-4. Ảnh: CNN

Chuyên gia thận trọng

Hàng loạt chuyên gia cho rằng để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng là mở cửa lại nền kinh tế, Mỹ cần đảm bảo ba công tác quan trọng sau đây để quá trình chuyển đổi diễn ra an toàn, theo tờ The New York Times.

Đó là: (1) Đảm bảo xét nghiệm hàng loạt để không bỏ sót người nhiễm bệnh, (2) truy vết và cách ly nghiêm ngặt nguồn bệnh, (3) đảm bảo nguồn cung dồi dào các thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế tuyến đầu. Tuy nhiên, đến nay Mỹ được đánh giá là vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ cả ba điều trên, nhất là công tác xét nghiệm hàng loạt.

“Tôi thực sự rất lo ngại. Hệ thống xét nghiệm Mỹ còn thiếu thốn ở nhiều nơi và tốc độ xét nghiệm phải đợi vài tuần nữa mới có thể được cải thiện” - cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden nhận định.

GS Michael Greenberger thuộc ĐH Maryland (Mỹ) chỉ ra cường quốc này vẫn nằm trong số các nước xếp cuối bảng về tỉ lệ xét nghiệm trên tổng dân số. Cụ thể, Mỹ mới xét nghiệm được khoảng 3,3 triệu người, tức khoảng 1% dân số trong khi con số này ở Đức và Hàn Quốc lần lượt là 2,1% và 1,1%.

40.665 người tử vong vì COVID-19 ở Mỹ tính đến tối 20-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer cho hay. Đến nay Mỹ có hơn 764.000 bệnh nhân với khoảng 14.000 ca đang trong tình trạng nguy kịch. 

Mới đây, ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng để thực sự đủ khả năng mở cửa kinh tế, y tế Mỹ thậm chí phải cần tăng tốc độ xét nghiệm lên hàng chục triệu lượt mỗi ngày, một điều vượt quá khả năng hiện tại.

ĐH này còn lưu ý việc tăng cường xét nghiệm còn phải đi cùng với công tác truy vết người nhiễm bệnh và tiến hành cách ly. Theo phần lớn chuyên gia y tế, con số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 trong thực tế cao hơn nhiều so với các thống kê chính thức.

Nguyên nhân là các trường hợp có triệu chứng nhẹ có thể bị bỏ qua, năng lực xét nghiệm bị giới hạn và nhiều nước không có cách thống kê hiệu quả, thậm chí là cố tình làm giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Do đó, mạng lưới theo dõi và cách ly kịp thời là chìa khóa để một quốc gia phục hồi thành công hậu đại dịch COVID-19.

Đối với Mỹ, ước tính cần huy động ít nhất 100.000 người ở mỗi bang để thực hiện công tác theo dõi này. Vào lúc TP Vũ Hán của Trung Quốc bị phong tỏa hồi tháng 2, một lực lượng gấp ba lần dân số thành phố đã được huy động để truy dấu bệnh nhân. Tuy nhiên, trong lúc các bệnh viện Mỹ chưa có dấu hiệu được giảm tải, chính quyền các bang nhiều khả năng sẽ không đủ nhân lực để phân bổ nhiệm vụ mới.

Dân Mỹ cũng lo ngại mở cửa kinh tế quá sớm

Kết quả khảo sát dư luận ngày 19-4 do tờ The Wall Street Journal thực hiện cho thấy đa phần người Mỹ đã bày tỏ lo ngại việc dỡ bỏ các hạn chế quá sớm sẽ khiến dịch COVID-19 lây lan mạnh hơn.

Cụ thể, sáu trong 10 người dân tham gia thăm dò cho biết họ lo ngại Mỹ sẽ thực hiện quá nhanh việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong khi đó chỉ có ba người cho rằng mối lo ngại lớn hơn là tác động đối với nền kinh tế khi phải đóng cửa quá lâu.

Trong cuộc thăm dò, 70% người ủng hộ đảng Dân chủ bày tỏ lo ngại đối với việc mở cửa nền kinh tế quá sớm so với tỉ lệ 39% đảng Cộng hòa. Ngược lại, 48% người theo đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ sẽ mất quá nhiều thời gian khi ngừng các hoạt động kinh tế so với 19% của đảng Dân chủ.

Ngoài ra, 76% người tham gia xếp hạng nền kinh tế là trung bình hoặc kém, so với 50% trong tháng 3. Chỉ 22% cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tốt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm