Chuyên gia bày Trung Quốc cách né trừng phạt Mỹ

Một nhóm chuyên gia Trung Quốc đề xuất chính quyền Bắc Kinh kiến tạo một thị trường tài chính đủ lớn của riêng mình để có thể ngăn chặn ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.

Đề xuất được đưa ra trong bài báo cáo do Diễn đàn Tài chính Trung Quốc (CF40) công bố hôm 30-8. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh lo ngại Mỹ sẽ tiếp tục khiến xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cao, tác động đến thị trường tài chính thương mại và kìm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

CF40 gồm một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, với thành viên là các quan chức quản lý cấp cao của Trung Quốc và các chuyên gia về tài chính.

“Chúng ta cần kiên quyết phản đối và tìm cách đối phó phù hợp các biện pháp trừng phạt tài chính dài hạn của Mỹ, đồng thời đưa ra các kế hoạch dự phòng trước những ảnh hưởng khắc nghiệt từ các lệnh trừng phạt” - SCMP trích dẫn một đoạn báo cáo được công bố trên trang web của CF40.

Theo SCMP, tổ chức CF40 đã đóng vai trò như một nền tảng quan trọng trong các cuộc đối thoại về những căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên xây dựng “một thị trường tài chính riêng” để giảm ảnh hưởng từ trừng phạt của Mỹ. Ảnh: REUTERS

Đề xuất trên cũng nhấn mạnh những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm giữ cho quan hệ song phương với Mỹ không trở nên xấu hơn nữa trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 3-11 tới.

Mối lo ngại về các lệnh trừng phạt tài chính mà Mỹ có thể áp đặt xuất hiện kể từ khi Tổng thống Donald Trump trừng phạt 11 quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Ông Trump cũng chỉ trích mạnh Trung Quốc tại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa Mỹ vào tuần trước, một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ có thể sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt khác với Bắc Kinh trước cuộc bầu cử, theo SCMP.

Cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Xiao Gang - một thành viên của CF40 - cảnh báo rằng sự gia tăng cạnh tranh giữa hai nước có thể làm xói mòn các mối quan hệ tài chính hiện có.

“Các tổ chức tài chính của Trung Quốc có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế dài hạn. Một số giám đốc điều hành cũng có thể bị xử phạt” - ông Xiao cảnh báo tại cuộc họp báo hôm 30-8.

Ông Xiao cho biết Mỹ còn có thể tăng cường giám sát chặt chẽ hơn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc tại nước này, và các công ty Trung Quốc có niêm yết tại Mỹ có thể sẽ bị hủy niêm yết với các yêu cầu pháp lý mới.

“Những điều này có thể xảy ra hoặc đang xảy ra. Trước tình hình này, ngoài tiếp tục chiến đấu, chúng ta nên phát triển thị trường tài chính của riêng mình. Việc xây dựng một thị trường tài chính lớn riêng có thể làm giảm khả năng ảnh hưởng phụ thuộc Mỹ” - ông Xiao nói.

Quốc kỳ Mỹ và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Quan hệ Mỹ-Trung đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua do bất đồng giữa hai quốc gia về hàng loạt vấn đề từ thương mại, ngoại giao đến đại dịch COVID-19, luật an ninh mới ở Hong Kong và tranh cãi xung quanh vấn đề Đài Loan.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã siết chặt thêm các lệnh trừng phạt, hạn chế tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tiếp cận công nghệ và phần mềm của Mỹ. 

Bộ Thương mại Mỹ đưa thêm 38 chi nhánh của Huawei ở 21 nước vào danh sách đen nhằm ngăn Huawei mua các thiết bị bán dẫn của Mỹ mà không cần giấy phép đặc biệt, trong đó có các chip điện tử phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ.

Washington còn đề xuất hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán, cấm ứng dụng TikTok và WeChat của nước này tại Mỹ.

Đáp trả lại, chính phủ Bắc Kinh cho biết Trung Quốc có thể sẽ hạn chế xuất khẩu dược phẩm và chất tiền chế nếu Mỹ tiếp tục ngăn Bắc Kinh tiếp cận nguồn cung chip máy tính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm