Chữa COVID-19 ở Mỹ mà không có bảo hiểm tốn bao nhiêu tiền?

LTS: Tạp chí Time ngày 19-3 đã cho đăng tải câu chuyện về một công dân Mỹ nhiễm COVID-19 phải đánh vật với chi phí điều trị khổng lồ vì không đăng ký bảo hiểm y tế. Dù Quốc hội nước này ngày 18-3 đã thông qua Đạo luật Ứng phó COVID-19, đến nay hầu hết các bệnh nhân vẫn phải tự trả chi phí điều trị. 

Khi cô Danni Askini bắt đầu cảm thấy tức ngực, khó thở và đau nửa đầu vào ngày 29-2, cô gọi điện thoại cho người bác sĩ đang điều trị bệnh ung thư hạch của mình. Bác sĩ nghĩ rằng có thể cơ thể Askini đang có phản ứng không tốt với loại thuốc mới nên đã giới thiệu cô Askini tới một bệnh viện tại TP Boston, bang Texas.

35.000 USD cho một lần điều trị COVID-19 nếu không có bảo hiểm

Tại đây, các bác sĩ cho biết có khả năng Askini khả năng bị viêm phổi và cho cô về nhà.

Nhân viên y tế tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động tại TP Seattle, bang Washington (Mỹ) ngày 13-3. Ảnh: VOX

Trong vài ngày sau đó, thân nhiệt của Askini tăng và giảm đột ngột và cô bắt đầu ho dữ dội, có tiếng ùng ục như có dịch trong phổi. Askini tới phòng khám cấp cứu thêm hai lần và được chỉ định xét nghiệm vào ngày phát bệnh thứ 7. Sau khi điều trị các triệu chứng cúm và viêm phổi cho Askini, các bác sĩ khuyên cô về nhà nghỉ ngơi.

Ba ngày sau, Askini nhận được thông báo từ phòng xét nghiệm rằng cô đã nhiễm COVID-19.

Chưa hết kinh ngạc vì bệnh tình của mình, Askini còn bị sốc khi nhận hóa đơn cho việc xét nghiệm và điều trị: Tổng cộng hết 34.927 USD.

"Tôi bị choáng. Tôi còn không biết ai có nhiều tiền như vậy" - cô Askini chia sẻ.

Cũng như 27 triệu người dân Mỹ khác, Askini không có bảo hiểm y tế khi nhập viện. Trước khi bị bệnh, cô và chồng có kế hoạch chuyển tới sống ở thủ đô Washington để nhận việc mới nhưng cô còn chưa nhận việc.

Giờ tất cả kế hoạch này đều phải hoãn lại. Askini đang đăng ký chương trình bảo hiểm Medicaid (chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ Mỹ tài trợ) và hy vọng nó có thể giúp cô chi trả một số khoản viện phí. Nếu không được, Askini sẽ phải tự thanh toán khoản nợ khổng lồ.

Cô Danni Askini không phải trường hợp cá biệt. Các chuyên gia y tế dự đoán hàng chục ngàn, thậm chí cả triệu người Mỹ có thể sẽ phải nhập viện do COVID-19 trong tương lai gần nhưng Quốc hội Mỹ chưa giải quyết được vấn đề này.

Có bảo hiểm mà dính COVID-19 cũng tốn không ít tiền

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dù hầu hết người nhiễm COVID-19 không cần phải nhập viện và có thể hồi phục nếu được chăm sóc tích cực tại nhà. Nhưng trong trường hợp bệnh trở nặng hay người bệnh quyết định tới điều trị tại các phòng khám hoặc bệnh viện ở Mỹ đều phải thanh toán các khoản tiền khá lớn dù đã mua bảo hiểm y tế đi nữa chứ chưa nói tới không có bảo hiểm.

Mà dù có mua bảo hiểm đi nữa thì mức chi trả cũng tùy vào từng gói bảo hiểm, chương trình bảo hiểm mà người đó mua cụ thể như thế nào. Theo nghiên cứu từ Quỹ Kaiser Family, một người bình thường được chủ lao động mua bảo hiểm và nếu trong quá trình điều trị COVID-19 không phát sinh biến chứng thì sẽ tốn trung bình 9.763 USD tiền viện phí. Trường hợp bệnh nhân phải điều trị thêm các biến chứng, số tiền có thể lên tới 20.292 USD.

Các nhà nghiên cứu đưa ra những con số này dựa trên chi phí điều trị trung bình cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở các bệnh viện Mỹ.

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện Newton-Wellesley ở TP Newton, bang Massachusettes (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Time cho rằng đây không phải điều quá bất ngờ tại Mỹ. Ngay cả giai đoạn dịch COVID-19 chưa bùng phát ở Mỹ, người dân nơi đây cũng đã phải thanh toán những khoản viện phí lớn hơn nhiều so với thế giới.

Hàng triệu người Mỹ đang trì hoãn chữa bệnh vì lo ngại về viện phí. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 ập tới, nhiều người Mỹ chắc chắn phải thanh toán những khoản tiền điều trị khổng lồ. Do đó, không ít người tránh xét nghiệm, điều trị khiến dịch bệnh càng lan ra nhanh hơn.

Trang tin Business Insider khi thu thập dữ liệu từ tổ chức chuyên về bảo hiểm y tế FAIR Health đã chỉ ra khoảng 27 triệu người dân phải trả 100% chi phí trung bình cho các lần khám và xét nghiệm tại Mỹ bất kể trường hợp nào, gồm cả khám ngoại trú và khẩn cấp nếu không có bảo hiểm.

Ví dụ, một người đến bệnh viện trong tình trạng khẩn cấp. Người này được xét nghiệm cúm và xét nghiệm máu CMP. Nếu không có bảo hiểm, bệnh nhân sẽ phải chi trả khoảng 1.295 USD tiền khám, trong khi viện phí chỉ còn 491 USD nếu đóng bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, theo số liệu được đài CNBC trích dẫn từ tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ (Journal of Community Health), có tới 66,5% các vụ phá sản cá nhân tại nước này có liên quan đến các vấn đề y tế. Nguyên nhân đến từ việc chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ quá đắt đỏ, mức vượt quá khả năng chi trả của người lao động.

Báo cáo còn cho biết mỗi năm ở Mỹ có 530.000 gia đình nộp đơn xin bảo hộ phá sản do không trả nổi các hóa đơn viện phí hoặc các vấn đề liên quan đến y tế khác. 

Cách nào để người không có bảo hiểm giảm chi phí?

Vậy có cách nào để người không có bảo hiểm ở Mỹ giảm được chi phí y tế không? Theo Time là có. 

Cách đầu tiên là làm theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC): Gọi cho bác sĩ hay bệnh viện trước khi quyết định đến. Cuộc gọi có thể giúp bác sĩ, phòng khám chuẩn bị hay hướng dẫn bạn nhưng cũng có thể giúp bạn tiết kiệm tiền. Một khi đến bệnh viện thì chuỗi chi phí điều trị sẽ mắc hơn đến một phòng khám của bác sĩ.

Một lưu ý nữa là chi phí điều trị tính luôn cả chi phí "cơ sở vật chất", được tính từ bất kỳ lúc nào bệnh nhân xuất hiện ở bệnh viện. Ví dụ trường hợp cô Askini lần đầu đến bệnh viện ở Boston ngày 29-2, cô bị tính 1.802 USD tiền khám và 3.841 USD cho các dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện.

Một số chi phí khác cần lưu ý là phí xét nghiệm. Cần nhớ là luôn luôn hỏi thông tin bằng văn bản để có gì sau này còn khiếu nại các hóa đơn tính tiền nếu cần thiết, theo chuyên gia Caitlin Donovan tại Quỹ hỗ trợ bệnh nhân quốc gia. Và khiếu nại luôn thường có kết quả ít nhiều. Thường thì các nhà cung cấp dịch vụ y tế và các nhà bảo hiểm hay nhượng bộ hoặc giảm số tiền trên hóa đơn một khi bệnh nhân công khai hay truyền thông làm lớn lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm