Cảnh sát Mỹ tiến vào Đại sứ quán Venezuela ở Washington

Các nhà hoạt động ủng hộ Tổng thống Maduro hiện đang ở tại Đại sứ quán Venezuela ở thủ đô Washington đã từ chối rời khỏi cơ sở này, bất chấp thông báo đe dọa bắt giữ và cảnh sát đã vào trong tòa nhà, theo đài RT.

Nhóm này, có tên là Embassy Protection Collective, phát một đoạn thông báo bằng video ở thời điểm ngay trước khi cảnh sát Mỹ ập vào đại sứ quán.

Cảnh sát Mỹ trước Đại sứ quán Venezuela hôm 13-5. Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi đang chờ cảnh sát tới và (để họ) vi phạm Công ước Vienna với chính phủ hư cấu của họ, lực lượng phi chính phủ tuyên bố chúng tôi phải rời đi", nội dung của thông báo cho hay.

Hiện vẫn còn ít nhất bốn thành viên của tổ chức Embassy Protection Collective còn đang ở trong khu nhà đại sứ quán Venezuela. Phóng viên vẫn nhìn thấy họ qua cửa sổ, ngay cả sau khi cảnh sát Mỹ rút đi.

Hồi tháng trước, chính quyền Mỹ đã buộc các nhà hoạt động trung thành với Tổng thống Maduro rời khỏi tòa nhà này. Họ đã ở đó 34 ngày, nhưng nhiều trong số đó đã chấp nhận rời đi do quá mệt mỏi với những cuộc bao vây và mối đe dọa bị bắt giữ.

"Mỹ không công nhận thẩm quyền của chính quyền Maduro hoặc bất cứ đại diện cũ nào bước vào, ở lại hay thực hiện bất kỳ hành động nào khác đối với tài sản này. Ông Carlos Vecchio và ông Gustavo Tarre đã yêu cầu bất cứ ai trong tòa nhà này phải rời đi ngay lập tức và không được quay lại khi không có sự cho phép của họ. Bất kỳ ai từ chối tuân thủ các yêu cầu và lệnh này sẽ vi phạm luật liên bang và Đặc khu Columbia, có thể bị bắt hoặc truy tố hình sự", một thông báo dán ở cửa tòa nhà đại sứ quán ghi rõ.

Ông Vecchio là đại diện tại Mỹ của lãnh đạo đối lập Juan Guaido - người tự xưng và được Mỹ công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela, còn ông Tarre là chính trị gia đối lập Venezuela.

Các nhà hoạt động ủng hộ tổng thống Maduro đang ở tại tòa nhà Đại sứ quán Venezuela ở thủ đô Washington, DC, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh kiểm soát tòa nhà, Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ Carlos Ron nhắc nhở Washington rằng một vụ xâm nhập sẽ được cho là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. "Chính phủ Venezuela đã không cho phép cảnh sát Mỹ vào tòa nhà Đại sứ quán cũ ở Washington. Sự xâm nhập này là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác của chính quyền Mỹ và sự gây hấn đối với Venezuela", ông Ron viết trên Twitter.

Cuộc khủng hoảng xung quanh Đại sứ quán Venezuela ở Washington bắt đầu sau khi chính quyền Mỹ buộc các nhà ngoại giao trung thành với Tổng thống Maduro phải rời khỏi cơ quan này hơn một tháng trước. 

Các phe nhóm ủng hộ ông Guaido bấy lâu nay cũng tiến hành ngăn chặn việc cung cấp các nhu yếu phẩm vào khu nhà. Ngoài ra, đó nhóm Embassy Protection Collective tố cáo chính quyền sở tại đã cắt điện, nước tại đây để gây sức ép buộc họ phải rời đi.

Được biết, Tổng thống Maduro đã đóng cửa đại sứ quán tại Mỹ từ ngày 23-1 sau khi Washington công nhận thủ lĩnh đối lập Guaido là "tổng thống lâm thời Venezuela". Mỹ công nhận ông Vecchio và ông Tarre là đại diện hợp pháp của Venezuela tại Tổ chức Các nước châu Mỹ và cái gọi là "chính phủ lâm thời" của ông Guaido tại Mỹ.

Quyết định này của Mỹ làm gia tăng căng thẳng chính trị ở Venezuela, với đỉnh điểm là cuộc đảo chính bất thành của phe đối lập hôm 30-4.

Hiện chính phủ Venezuela chưa đưa ra phản ứng gì với diễn biến trên.

Embassy Protection Collective là một phong trào gồm các nhà hoạt động và nhà báo lấy Đại sứ quán Venezuela tại Mỹ làm "trụ sở" để phản đối chính phủ mới do Mỹ ủng hộ chống lại chính phủ hợp hiến của nước này. Họ tới sống tại đại sứ quán Venezuela ở thủ đô Washington theo lời mời của chính phủ Venezuela sau khi phái đoàn ngoại giao Venezuela rút về nước.

Nhóm này đã vào đại sứ quán hôm 10-4 và đã ở đó trong 34 ngày qua. Hiện nhóm này đang đối mặt với khá nhiều sức ép phải rời đi từ phía Mỹ. 

Sau thông báo của cảnh sát tư pháp Mỹ, nhiều nhà hoạt động vẫn không rời đi. Họ lập luận rằng việc họ ở trong cơ sở ngoại giao này là phù hợp luật pháp quốc tế và quy định của Mỹ, không quan chức Mỹ nào có thể buộc họ rời đi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm