Các nước châu Á - TBD triển khai các gói kích thích kinh tế

Sau thời gian cân nhắc kỹ càng, giới hoạch định chính sách kinh tế tại các nước châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu đưa các gói kích thích nhằm giảm tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, theo báo South China Morning Post.

Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Thái Lan được cho là các quốc gia bơm ngân sách và tăng chi tiêu tài chính với tỉ lệ đáng kể trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ.

Cụ thể, chính phủ Nhật Bản ngày 7-8 đã phê duyệt gói kích thích kinh tế trị giá 108.000 tỉ yen (tương đương 990 tỉ USD), chiếm khoảng 1/5 GDP của nước này.

Cũng như vậy, đầu tuần này, Singapore đã tuyên bố về gói kích thích thứ ba kéo dài trong ba tháng. Theo đó, gói kích thích này trị giá 60 tỉ SGD (41,7 tỉ USD), tương đương 12% GDP.

Singapore đã đưa ra gói kích thích kinh tế thứ ba hỗ trợ doanh nghiệp và các gia đình bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Malaysia tiếp tục bổ sung 10 tỉ ringgit (2,3 tỉ USD) vào gói kích thích kinh tế trước đó trị giá 250 tỉ ringgit (57,4 tỉ USD) nhằm hỗ trợ việc chi trả lương của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp đến là Thái Lan. Nước này hôm 7-4 cũng công bố gói kích thích mới 1.900 tỉ baht (58 tỉ USD), chiếm khoảng 9% GDP. Ngoài ra, một phần trong gói kích thích này được bổ sung từ khoản vay trị giá 30,6 tỉ USD.

Tại Indonesia, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati nói rằng chính phủ nước này sẽ sớm đưa ra gói kích thích kinh tế như các quốc gia láng giềng.  Hiện gói hỗ trợ chăm sóc y tế khẩn cấp và kích thích kinh tế trị giá 436.100 tỉ rupiah (26,36 tỉ USD) được công bố chỉ bằng 2,5% GDP của quốc gia này.

Nhược điểm của các gói kích thích kinh tế

Các nhà phân tích nói với báo South China Morning Post rằng các biện pháp kích thích trên của các nước "không phải là không có nhược điểm". Việc bơm ngân sách, hỗ trợ tài chính cũng có thể là một vấn đề gây tranh cãi.

Chiến lược gia thị trường toàn cầu Công ty giao dịch tài chính Axicorp - ông Stephen Innes cho biết có thể xảy ra trường hợp “việc thiết lập chính sách quá mức tại nhiều khu vực có thể không hoạt động hiệu quả”.

Về việc sử dụng ngân sách, ông Innes cho biết các chính phủ cần phải cân bằng giữa việc trợ cấp cho các công ty để chi trả lương người lao động và trợ cấp trực tiếp cho người dân.  

“Nhưng rất nhiều quyết định như vậy đôi khi lại có động cơ chính trị” - ông Innes nói.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hôm 6-4 nói về việc bổ sung gói kích thích kinh tế nước này. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Ông Innes lấy ví dụ gói kích thích 250 tỉ rinngit (57,4 tỉ USD) của Malaysia. Theo ông, việc bơm trực tiếp 25 tỉ ringgit trong gói ban đầu có thể đã bị “làm chênh lệch” khi đến tay người dân.

Ông Innes nói rằng các biện pháp kinh tế trên được Thủ tướng Muhyiddin Yassin đưa ra chỉ vài tuần sau khi ông lên nắm quyền giữa những bất ổn chính trị tại nước này.

"So với Singapore - nơi phân bổ phần lớn các gói kích thích kinh tế vào trợ cấp tiền lương thì Malaysia lại có nhiều rủi ro hơn vì có những sự chia rẽ chính trị" - ông Innes nói.

Các nhà phân tích cũng đang chú ý về sức khỏe tài chính của các nước khi họ đưa ra các biện pháp “vay và tiêu dùng” tương ứng.

Ví dụ như khi công bố gói kích thích mới hôm 7-4, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết tỉ lệ nợ trên GDP (tỉ lệ nợ giữa Chính phủ với tổng sản phẩm quốc nội GDP) có thể sẽ tăng lên 57% vào năm tới.

Nên ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn sức khỏe kinh tế

Giới quan sát kinh tế châu Á nói rằng rất hoan nghênh chính sách kinh tế mới của chính phủ các nước nhưng vẫn mong họ ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn là “sức khỏe kinh tế”.

Nhà kinh tế về khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ công ty cung cấp thông tin toàn cầu IHS Markit - ông Rajiv Biswas cho biết việc bơm tiền, tăng thanh khoản hay cắt giảm lãi suất sẽ không có nhiều hiệu quả bằng việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Những công nhân vận chuyển lô hàng thực phẩm lên tàu ở một cảng của thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: EPA

“Các gói kích thích chỉ là giữ nền kinh tế ổn định trước các tác động hay cú sốc mạnh. Tuy nhiên, không thể bù đắp tác động của việc cách ly và phong tỏa một khu vực nào đó" - ông Biswas nói.

Ông Biswas còn nhấn mạnh: “Vấn đề mấu chốt của các gói kích thích tài chính, tiền tệ giống như một “miếng băng cá nhân”. Sự phục hồi thực sự nền kinh tế phải gắn với sự kiểm soát số ca nhiễm bệnh đến mức thấp nhất”.

Nhà kinh tế học Song Seng Wu từ công ty dịch vụ ngân hàng cá nhân CIMB Private Banking tại Singapore bày tỏ sự đồng tình với nhận định trên.

Ông Song còn bổ sung thêm rằng các chính phủ “đang làm những gì họ phải làm”, đó là bỏ qua những lo ngại về tính bền vững tài chính mà chủ yếu tập trung giảm thiểu tác động đến các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm