Brexit không thỏa thuận: Kẻ khóc người cười ở châu Phi

Theo Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), tổng thiệt hại xuất khẩu của 20 nước châu Phi có thể lên tới 420 triệu USD nếu quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận nào trước khi đất nước này “chia tay” EU.

Nghiên cứu của UNCTAD còn cho thấy có 11 quốc gia trên lục địa đen sẽ đồng thời ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tới 3,66 tỉ USD. Dẫn đầu danh sách là các nước Nam Phi, Mauritius và Botswana.

“Những quốc gia có nền kinh tế nhỏ đang giao thương với Anh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Anh rời EU không thỏa thuận” – hãng tin Bloomberg dẫn lời tuyên bố của UNCTAD.

Bên cạnh đó, việc Anh dự định hạ thấp thuế quan dành cho các nước “yêu thích” có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của một số đối tác thương mại của nước này. Nhiều thương vụ xuất khẩu của các nước đang phát triển được hưởng quyền lợi đặc biệt trong thị trường Anh nhờ các thỏa thuận song phương và hệ thống ưu đãi đơn phương của EU.

“Những quốc gia muốn giữ khả năng tiếp cận thị trường này phải nhanh chóng đàm phán với Anh” – UNCTAD gợi ý trong nghiên cứu của mình.

Hình ảnh học sinh cầm cờ Anh để chào đón Thủ tướng Anh Theresa May trong chuyến thăm của bà tại một trường trung học ở châu Phi. Ảnh: AFP

Sau Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ngày 10-4 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý gia hạn thời điểm Brexit tới cuối tháng 10-2019. Hãng tin BBC còn cho biết điều này đồng nghĩa là Anh phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5 tới. Nhưng Anh phải rời EU vào ngày 1-6 nếu họ không tham gia bầu cử.

Chính phủ Anh cũng vừa cắt giảm 6.000 công chức làm việc trong công tác chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận, sau khi chi khoảng 1,5 tỉ bảng Anh. Hiện tại, có khoảng 4.500 tân binh vẫn đang chờ lệnh do Brexit tiếp tục được trì hoãn đến ngày Halloween, theo tờ The Guardian.

Tổng cộng Anh đã huy động hơn 16.000 công chức để phục vụ cho quá trình “ly dị” EU.

Nghị sĩ Hilary Benn thuộc Đảng đối lập Anh cho rằng đây là một cái giá quá đắt phải trả khi Thủ tướng Anh Theresa May kiên quyết giữ một hiệp ước không được chấp thuận trên bàn đàm phán.

Brexit sau cùng được hoãn tới khi nào?
Brexit sau cùng được hoãn tới khi nào?
(PLO)- Ngày 10-4 (giờ châu Âu), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý gia hạn thời điểm Brexit tới cuối tháng 10-2019 để tránh một cuộc “ly hôn” tàn khốc trong bối cảnh nền chính trị nước Anh đang rơi vào khủng hoảng vì Brexit, tờ The Guardian đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm