'Biểu tình Hong Kong là khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay'

Theo hãng tin CNN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi giới doanh nhân đặc khu hãy giữ vững và "giương cao ngọn cờ yêu nước" cũng như hợp tác với chính quyền Hong Kong giải quyết khủng hoảng. Ông Vương khẳng định Bắc Kinh tin tưởng thành phố sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Cảnh sát Hong Kong đụng độ người biểu tình ngày 25-8. Ảnh: REUTERS

Phát ngôn trên được đưa ra trong bối cảnh biểu tình Hong Kong bất ngờ diễn biến bạo lực trong đợt xuống đường ngày 25-8. Cụ thể, cảnh sát Hong Kong đã dùng vòi rồng phun nước và xịt hơi cay để trấn áp đoàn biểu tình, trong khi người biểu tình đáp trả bằng gạch đá và bom xăng. Đáng chú ý, đợt biểu tình này cũng chứng kiến phát súng đầu tiên khi một cảnh sát bắn chỉ thiên cảnh cáo đám đông cầm gậy quá khích.

Cùng ngày, báo chí Trung Quốc liên tục cho đăng tải những bài viết cảnh báo Bắc Kinh đang dần mất kiên nhẫn trước những gì đang diễn ra ở Hong Kong. Hãng tin Tân Hoa Xã tuyên bố chính quyền đại lục hoàn toàn có đủ "thẩm quyền" và "trách nhiệm" để can thiệp, dập tắt phong trào biểu tình ở đặc khu này. 

Hôm 26-8, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam xuất hiện trước công chúng và trấn an rằng lãnh đạo Hong Kong sẽ sớm xúc tiến "hòa giải" với phe phản đối, dù không giải thích cụ thể sẽ triển khai như thế nào. Cũng trong ngày 26-8, giới chức đặc khu cũng đã tổ chức gặp riêng khoảng 20-30 người trẻ Hong Kong, phần lớn không tham gia hoạt động chính trị

Tuy vậy, CNN cho rằng ở thời điểm hiện tại, không nhiều khả năng hai bên sẽ cùng ngồi lại với nhau để giải quyết bất đồng. Theo đó, chính quyền Hong Kong cho đến nay vẫn từ chối đáp ứng năm yêu cầu của người biểu tình bao gồm rút lại dự luật dẫn độ hoàn toàn, mở điều tra độc lập về hành động trấn áp của cảnh sát, ngừng gọi phong trào biểu tình là bạo loạn, không buộc tội những người bị bắt và nối lại cải cách chính trị.

"Trong suốt hai tháng gần đây, chính quyền đặc khu đã phải nhiều lần đáp ứng nhiều yêu cầu từ rất nhiều người khác nhau. Vấn đề ở đây không nằm ở việc chúng tôi có phản hồi hay không mà là chúng tôi không thể nhượng bộ thêm được nữa" - bà Lam phát biểu. 

Trả lời phỏng vấn của CNN, cựu Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Bách khoa Hong Kong Caspar Wong cho biết đã tham gia cuộc gặp 26-8 và mô tả lãnh đạo đặc khu đã tạo ra "một không khí thảo luận mở". Anh Wong cũng chia sẻ rằng những người tham gia đã chỉ trích rất nhiều bản thân bà Carrie Lam và chính quyền của bà. Tuy nhiên, vị trưởng đặc khu trong tuyên bố kết thúc khẳng định "sẽ chấp nhận mọi ý kiến đưa ra ngày hôm nay". 

"Trước mắt, đây sẽ là một cuộc gặp mặt khá hữu ích. Họ không thể tránh né không đề cập đến năm yêu cầu của người biểu tình" - anh Caspar Wong nói, đồng thời khẳng định lãnh đạo đặc khu nên sớm tổ chức gặp chính thức phe phản đối và thành lập một "ủy ban hòa giải".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm