Biển Đông: TQ phải chịu trách nhiệm thiệt hại môi trường

Theo trang Inquirer, trước sự suy thoái trầm trọng nguồn lợi sinh vật ở biển Đông, Philippines đã chủ động kêu gọi các nỗ lực của các bên để giải quyết các vấn nạn về môi trường.

Các nghiên cứu trước đây của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho thấy việc nạo vét, xây dựng đảo nhân tạo trái phép và thu hoạch ngao hủy diệt của Trung Quốc trong những năm gần đây đã phá hủy hơn 160 km vuông rạn san hô ngầm ở Biển Đông, khiến cho nguồn cá cũng đã giảm tới 75% trong 20 năm qua.

Rạn san hô dưới đáy biển Đông bị hành vi phi pháp của Trung Quốc tàn phá. Ảnh: THE CORAL TRIANGLE 

Biển Đông vốn là một trong những tuyến thương mại nhộn nhịp nhất và là một trong những khu vực đánh bắt có sản lượng cao nhất thế giới.

Trên thực tế, khía cạnh địa chính trị của Biển Đông thường được quan tâm nhiều hơn, trong khi có rất ít mối quan tâm dành cho môi trường và nghề cá.

Ông Gregory Poling, trưởng nhóm chuyên gia về biển Đông của AMTI, cho rằng Philippines nên hợp tác với Việt Nam để bắt buộc Bắc Kinh giải quyết các vấn đề liên quan đến nghề cá và môi trường do chính hành vi phi pháp của nước này gây ra.

Ông Poling khẳng định: Nếu Manila muốn bảo vệ quyền lợi ở biển Đông, họ cần phải hợp tác với các nước mà điển hình là Việt Nam; và thúc đẩy thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc.

Nguồn cá sẽ sớm bị cạn kiệt. Ngoài việc trông chờ vào Bộ Quy tắc ứng xử của Asean-Trung Quốc (COC), theo ông Poling, Philippines cần phải chủ động vào các mối hợp tác quốc tế để tạo áp lực với Trung Quốc.

Ngư dân Philippines trước mối đe dọa về sinh kế. Ảnh: PHILSTAR

Thêm vào đó, ông Poling cũng tin rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các tàu dân quân và những kẻ săn trộm trong vùng biển tranh chấp.

Bên cạnh đó, Philippines cũng nên tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các quốc gia khác và đưa vấn đề Biển Đông tới mọi diễn đàn quốc tế để kêu gọi sự chú ý của Trung Quốc, ông Poling nói thêm.

Ông Poling cho biết, Philippines sẽ cần vận động sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, nhất quán để gây áp lực lên Bắc Kinh nhằm đạt được vị thế cân bằng trên bàn đàm phán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm