Biển Đông: Philippines đang hành xử ‘được một mất mười’

Theo đó, ông Rosario đề xuất Philippines nên đưa phán quyết của tòa vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) ra kỳ họp toàn thể lần thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã khai mạc tại trụ sở của tổ chức ở TP New York (Mỹ) diễn ra từ ngày 17 đến 30-9.

Theo lịch làm việc, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. sẽ thay mặt Tổng thống Duterte có bài phát biểu đến các nước. “Lượt phát biểu của chúng ta vào ngày 28-9. Đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để Philippines nêu vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài vì tất cả quốc gia trên thế giới đều ở đó. Philippines có thể là trường hợp để Liên Hiệp Quốc xác nhận lại vấn đề các quyền và luật phải tuân thủ” - ông Rosario nói.

Trên thực tế, đề xuất của ông Rosario rất đáng lưu ý. Một số quốc gia khu vực biển Đông, bao gồm Việt Nam, luôn xem đây là cách gây áp lực trực tiếp đối với TQ trong bối cảnh tương quan lực lượng với Bắc Kinh còn khá xa về kinh tế lẫn quân sự. Ngoài ra, việc đưa phán quyết của tòa - vốn dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - ra công luận quốc tế, để họ xem xét, thấu hiểu và có hành động can dự kịp thời được xem là cách làm thượng tôn pháp luật, văn minh, được đông đảo các nước ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Salvador Panelo - người phát ngôn của Tổng thống Duterte - ngay sau đó đã bác đề xuất của vị cựu ngoại trưởng Philippines. “Đề xuất đó là vô ích. Vì sao? Vì Liên Hiệp Quốc không có lực lượng thực thi (phán quyết)” - ông Panelo nói. Vị này nhấn mạnh cách tiếp cận hiện nay của ông Duterte với Bắc Kinh là “hiệu quả”.

Tiếc thay, chính quyền Duterte dường như quên rằng phán quyết của tòa sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu có sự đồng thuận, từ đó tạo sức ép tập thể từ cộng đồng quốc tế lên TQ. Lịch sử chỉ ra không ít tranh chấp quốc tế trên biển đều được giải quyết ổn thỏa thông qua luật quốc tế dưới sự điều chỉnh của cộng đồng quốc tế. Càng che đậy phán quyết khỏi tầm nhìn của công luận, Manila càng bị Bắc Kinh lấn tới trên bàn đàm phán về biển Đông.

Có lẽ tính “hiệu quả” trong cách tiếp cận hiện nay của chính quyền Duterte mà ông Panelo nhắc đến chính là con số 60/40 nghiêng về Philippines trong các dự án khai thác chung đang được hai nước thúc đẩy. Đó cũng là điều giới quan sát tuy quan ngại nhưng vẫn cho rằng việc Manila xích lại gần Bắc Kinh là “dễ hiểu”. Đơn giản, ông Duterte đứng trên lập trường “phép chia” cơ học những con số về kinh tế ở biển Đông. Tiếc thay, TQ lại đang nuôi tham vọng khác to lớn hơn 40% mà họ được hưởng: “Biến biển Đông thành ao nhà!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm