Bất ngờ: Ấn Độ sắp sản xuất 60 triệu liều vaccine COVID-19

Hãng tin Reuters vừa đưa một thông tin bất ngờ và mang lại hy vọng cho cả thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Ấn Độ sẽ sớm bắt tay vào sản xuất 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

60 triệu liều trong năm nay

Cụ thể, ngày 28-4, Serum Institute of India - công ty sản xuất vaccine quy mô lớn nhất thế giới cho biết có kế hoạch trong năm nay sẽ sản xuất tới 60 triệu liều vaccine COVID-19 do ĐH Oxford (Anh) phát triển và đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng tại Anh.

Ứng viên vaccine này có tên “ChAdOx1 nCoV-19”, một ứng viên vaccine hàng đầu đã cho kết quả hứa hẹn khi thử nghiệm trên động vật và đang trong quá trình thử nghiệm trên người, theo lời Giám đốc điều hành Công ty Serum - ông Adar Poonawalla, một tỉ phú Ấn Độ.

Nhà vi trùng học Elisa Granato được tiêm một mũi vaccine COVID-19 thử nghiệm trong giai đoạn đầu thử nghiệm vaccine trên người ở Anh. Ảnh: AP

Ông Adar Poonawalla thừa nhận ứng viên vaccine “ChAdOx1 nCoV-19” chưa được chứng minh có thể chống COVID-19 hiệu quả, tuy nhiên ông vẫn quyết định sản xuất đại trà vì tiềm năng hứa hẹn của nó.

Trong quá trình thử nghiệm trên động vật, tháng trước đã có sáu con khỉ nâu đuôi ngắn Ấn Độ được tiêm ứng viên vaccine “ChAdOx1 nCoV-19” tại một phòng thí nghiệm thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ ở bang Montana (Mỹ), báo New York Times đưa tin.

Sáu chú khỉ này sau đó được cho tiếp xúc với một lượng lớn virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 nhưng cả sáu chú khỉ đều khỏe mạnh trong hơn 28 ngày sau đó, New York Times dẫn thông tin từ nhà nghiên cứu Vincent Munster – người thực hiện thử nghiệm.

“Họ là một nhóm các nhà khoa học trình độ chuyên môn cao (tại ĐH Oxford)…Đó là lý do tại sao chúng tôi tự tin tiến hành nó” - ông Poonawalla trao đổi với Reuters qua điện thoại.

Khỉ nâu đuôi ngắn thường được đưa vào tham gia các cuộc thử nghiệm thuốc vì cơ thể chúng khá tương đồng với cơ thể người. Ảnh: AFP

Theo lời ông Poonawalla, vì là một công ty tư nhân, không phải chịu trách nhiệm giải trình với các nhà đầu tư hay các ngân hàng, ông có thể chấp nhận một rủi ro nhỏ và để qua một số sản phẩm và dự án thương mại khác mà tôi đã có kế hoạch hoạt động (để ưu tiên sản xuất vaccine ngừa COVID-19 - PV).

Quá trình thử nghiệm của vaccine ngừa COVID-19 mà ĐH Oxford nghiên cứu dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9 tới. Ông Poonawalla nói ông hy vọng các giai đoạn thử nghiệm ứng viên vaccine này sẽ thành công. Tuần trước các nhà khoa học ĐH Oxford nói rằng điều ưu tiên chính trong các thử nghiệm là nhằm xác định không chỉ vaccine có hiệu quả không mà còn có mang lại phản ứng miễn dịch tốt và ít tác dụng phụ hay không.

400 triệu liều trong năm sau

Serum định sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại hai nhà máy ở TP Pune, bang Maharashtra. Ngoài 60 triệu liều dự kiến sản xuất trong năm nay, Serum còn định sẽ sản xuất thêm 400 triệu liều vào năm tới, nếu mọi việc suôn sẻ, theo ông Poonawalla.

Tuần trước Serum đã thống nhất sẽ đầu tư 6 tỉ rupee (gần 80 triệu USD) xây dựng thêm một nhà máy mới chỉ để chuyên sản xuất vaccine ngừa COVID-19, ông Poonawalla cho biết.

“Một phần lớn vaccine, ít nhất vào thời điểm ban đầu, sẽ dành cho người dân nước tôi trước khi ra nước ngoài” - ông Poonawalla nói, đồng thời cho biết ông sẽ để chính phủ Ấn Độ quyết định chuyện xuất khẩu vaccine sang nước nào, bao nhiêu và khi nào.

Serum Institute of India - công ty sản xuất vaccine quy mô lớn nhất thế giới. Ảnh: SERUM INSTITUDE OF INDIA

Serum tính toán là giá vaccine sẽ nằm khoảng 1.000 rupee/liều (tương đương 14,7 USD hay 350.000 đồng). Nhưng theo lời ông Poonawalla thì chính phủ sẽ phát miễn phí cho dân.

Ông Poonawalla cho biết văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đang tham gia “rất chặt” vào tiến trình tiến tới sản xuất vaccine. Và ông hy vọng chính phủ Ấn Độ sẽ giúp choàng chi phí sản xuất vaccine cho công ty ông.

Tỉ phú Adar Poonawalla được tạp chí Forbes India bầu chọn là người giàu nhất Ấn Độ. Ảnh: FORBES INDIA

Trong khoảng 5 tháng tới, Công ty Serum sẽ chi từ 300 triệu tới 400 triệu rupee (4,4 triệu USD tới 5,9 triệu USD) để sản xuất khoảng 3,5 triệu liều vaccine mỗi tháng, theo ông.

“Chính phủ sẵn sàng chia sẻ rủi ro và tài trợ cho chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn chưa ký kết cái gì cả” - ông Poonawalla cho biết.

Ngoài ĐH Oxford, Công ty Serum cũng liên kết với hai công ty công nghệ sinh học Codagenix (Mỹ) và Themis (Áo) về hai ứng viên vaccine ngừa COVID-19 nữa. Theo lời ông Poonawalla thì công ty có kế hoạch sẽ thông báo về liên minh bốn bên trong khoảng hai tuần nữa.

Hiện đang có khoảng 100 ứng viên vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng đang được các công ty công nghệ sinh học và các nhóm nghiên cứu khắp thế giới phát triển. Ít nhất năm trong số các ứng viên vaccine này đã đi vào bước thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1.

Tính tới lúc này đại dịch COVID-19 đã làm hơn 3 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh, trong đó đã hơn 210.000 người chết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm