Báo cáo của chuyên gia WHO về dịch COVID-19 ở Trung Quốc

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo trong ngày 2-3, nước này ghi nhận 31 ca tử vong (tất cả đều ở tỉnh Hồ Bắc) và 125 ca nhiễm mới virus COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ khi NHC công bố số liệu hằng ngày hồi tháng 1.

Những kết quả này phần nào cho thấy hiệu quả của các biện pháp mà chính quyền và giới chức y tế Trung Quốc đã thực hiện để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25-2 về công tác phòng dịch ở Trung Quốc đã tổng hợp những nét chính trong công tác phòng, chống dịch của nước này và để lại những thông tin, bài học quý giá cho toàn thế giới.

Bổ sung bức tranh chung về dịch COVID-19

Trong chuyến công tác tại Trung Quốc, nhóm chuyên gia WHO đã có được cái nhìn đầy đủ hơn về chủng virus Corona mới này. 

Các bác sĩ chuẩn bị chụp CT cho một bệnh nhân cao tuổi nhiễm COVID-19 ở TP Vũ Hán. Ảnh: AFP

Theo phân tích sơ đồ gen, các nhà khoa học nhận thấy virus COVID-19 có cấu trúc di truyền giống đến 96% so với một chủng virus họ Corona gây bệnh ở dơi và giống khoảng 86%-92% so với một chủng virus cùng họ nhưng gây bệnh ở tê tê.

Tuy nhiên, các chuyên gia chưa thể xác định động vật trung gian truyền bệnh cho người hay mầm bệnh ban đầu xuất phát từ đâu. 

Về các triệu chứng của bệnh, các chuyên gia tổng kết có khoảng 80% người bệnh có triệu chứng nhẹ, 13,8% người bệnh có triệu chứng nặng và 6,1% người bệnh ở mức nguy kịch. Số trường hợp không có triệu chứng bệnh tương đối hạn chế.

Các triệu chứng phổ biến nhất là sốt (88%), ho khan (68%), kiệt sức (38%), ho có đờm (33%), khó thở (18%), đau họng (14%), đau đầu (14%), đau cơ (14%), ớn lạnh (11%). Các triệu chứng tiêu hóa ít gặp hơn, xuất hiện ở khoảng 5% số ca bệnh.

Độ tuổi trung bình của các ca bệnh là 51, trong đó có khoảng 77,8% người bệnh trong độ tuổi 30-69. Tỉ lệ giới tính ở các ca bệnh không chênh lệch lớn, ở mức 51,1% nam giới và 48,9% nữ giới.

Đối tượng có nguy cơ tử vong cao là các bệnh nhân trên 60 tuổi và có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, viêm hô hấp mạn tính và ung thư. Tỉ lệ tử vong cũng tăng dần theo độ tuổi, cao nhất là người trên 80 tuổi (14,8%).

Thống kê của công tác truy tìm và theo dõi các ca tiếp xúc gần với người bệnh cho thấy tỉ lệ nhiễm bệnh ở nhóm người này dao động ở mức 1%-5%. Hoạt động này đã được tiến hành chặt chẽ ở các địa phương. Riêng tại TP Vũ Hán, đã có 1.800 đội nhân viên dịch tễ (mỗi đội có ít nhất năm người) theo dõi hàng chục ngàn đối tượng tiếp xúc gần mỗi ngày.

Các biện pháp "nghiêm ngặt và không khoan nhượng" của Trung Quốc

Các phản ứng của Trung Quốc được WHO chia thành ba giai đoạn, với thời điểm quan trọng là ngày 20-1 (khi nước này áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đồng bộ và toàn diện trên cả nước) và ngày 8-2 (khi Bắc Kinh bắt đầu các bước đi khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội thường nhật).

Từ khi dịch bắt đầu bùng phát đến ngày 20-1, Trung Quốc mong muốn tập trung vào việc phòng ngừa dịch bệnh bùng phát tại TP Vũ Hán và một số khu vực ưu tiên ở tỉnh Hồ Bắc, phòng ngừa việc lây nhiễm sang các tỉnh khác.

Trong giai đoạn 2, Bắc Kinh tập trung nguồn lực để giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và làm chậm tốc độ gia tăng số ca nhiễm. Ở tỉnh Hồ Bắc, ưu tiên là điều trị tích cực để giảm tỉ lệ tử vong và phòng ngừa dịch bệnh tiếp tục bùng phát.

Trong giai đoạn 3, mục tiêu của Trung Quốc là giảm quy mô các ổ dịch thông qua các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời với cân bằng giữa phòng, chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo thống nhất, hướng dẫn được chuẩn hóa và áp dụng các biện pháp có cơ sở khoa học.

Các bác sĩ đang kiểm tra ảnh chụp CT của một bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: TÂN HOA XÃ

"Đối mặt với một bệnh dịch chưa biết đến trước đó, Trung Quốc đã tung ra những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có lẽ là tham vọng, nhanh chóng và mạnh mẽ nhất trong lịch sử" - báo cáo của WHO nhận định.

"Cách tiếp cận táo bạo của Trung Quốc trong việc ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của mầm bệnh COVID-19 đã thay đổi quá trình diễn biến của dịch bệnh chết người và lây lan nhanh chóng này" - báo cáo viết tiếp.

Trong đó, người dân Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ, tuân thủ các khuyến cáo và quy định của giới chức nước này. Nhờ đó, Bắc Kinh có thể tự tin thay đổi cách tiếp cận và phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội một cách khoa học.

WHO kêu gọi Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh phù hợp, khoa học, luôn sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch tái bùng phát và nghiên cứu, chia sẻ thông tin với cộng đồng thế giới.

Khuyến nghị cho cộng đồng quốc tế

Đối với các nước đã phát hiện ca bệnh, WHO khuyến cáo ngay lập tức kích hoạt mức cao nhất trong hệ thống quản lý tình trạng khẩn cấp, đảm bảo cách tiếp cận toàn chính quyền và toàn xã hội đối với các biện pháp y tế công cộng không dùng thuốc.

Các nước cũng nên "ưu tiên cho các biện pháp phát hiện tích cực, đầy đủ, xét nghiệm và cách ly ngay lập tức, truy tìm lịch sử tiếp xúc gần và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần" với người bệnh, cũng như rà soát nguồn lây nhiễm và chuỗi lây nhiễm.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho người dân và khuyến khích họ tham gia vào việc phòng ngừa dịch bệnh.

Các nước cũng cần xây dựng và chuẩn bị cho nhiều kịch bản dịch bệnh khác nhau và cân nhắc đến các biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm.

Đối với các nước chưa phát hiện ca bệnh, WHO khuyến cáo cần lên kế hoạch, tăng cường công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó để phát hiện và kiểm soát sớm khi xuất hiện ca bệnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm