Bà Suu Kyi và hàng trăm quan chức Myanmar bị quản thúc tại gia

Cố vấn Nhà nước, Chủ tịch đảng liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi và hàng trăm quan chức Myanmar khác đang bị quản thúc tại gia, dưới sự canh gác của binh sĩ.

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời một nghị sĩ thuộc đảng NLD (không tiết lộ danh tính) tiết lộ bà Suu Kyi đang bị quản thúc tại chính dinh thự của bà ở thủ đô Naypyidaw.

“Chúng tôi được thông báo là đừng lo lắng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang rất sốt ruột. Sẽ thật nhẹ nhõm nếu chúng tôi có thể nhìn thấy một bức ảnh về tình hình hiện tại của bà Suu Kyi” - người này chia sẻ.

Ngoài ra, vợ hoặc chồng của hàng trăm quan chức khác, bao gồm tất cả các thành viên của đảng NLD ở thủ đô, cũng được cho là đang bị quản thúc tại gia.

Người dân Myanmar cầm ảnh của bà Aung San Suu Kyi để biểu tình vào ngày 2-2. Ảnh: REUTERS

Một quan chức thuộc đảng NLD tên Kyi Toe cho biết hàng xóm đã nhìn thấy bà Suu Kyi đi lại bên trong khu nhà của bà vào sáng 2-2.

Ông Khin Zaw Win - nhà phân tích từ Yangon - nhận định có vẻ như hiện tại bà Suu Kyi vẫn an toàn.

“Tất cả các báo cáo đều chỉ ra rằng bà ấy không gặp nguy hiểm nào” - ông Win nói.

Nhà nghiên cứu Herve Lemahieu thuộc Viện Lowy cho rằng có khả năng quân đội Myanmar đang muốn giữ bà Suu Kyi ở ẩn.

“Tôi nghĩ ý tưởng này sẽ rất hữu ích để có thể giữ bà ấy tránh xa tầm nhìn của công chúng. Bà ấy đang bị giam giữ ở Naypyidaw, cách xa tất cả các trung tâm dân cư lớn nơi người dân có thể biểu tình. Tôi nghĩ đó là một sự lựa chọn có chủ ý” - ông Lemahieu nói.

Các binh sĩ canh gác tại một nhà khách, nơi các thành viên đảng NLD bị quản thúc ở thủ đô Naypyidaw vào ngày 2-2. Ảnh: AFP

Theo nhà nghiên cứu Lemahieu, đây cũng là một lợi ích của quân đội Myanmar khi đảm bảo bà Suu Kyi vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt.

“Các quan chức cấp cao nhận ra rằng nếu bà ấy ngã bệnh hoặc chết trong khi bị bắt thì mọi người sẽ nghi ngờ quân đội có hành vi xấu xa và điều đó có thể gây ra phản ứng dữ dộ từ người dân”  - ông Lemahieu nhận định.

Trong ngày 2-2 đảng NLD đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint cùng các nhà lãnh đạo khác, một ngày sau khi bà cùng nhiều quan chức cấp cao bị bắt vào sáng hôm 1-2, SCMP đưa tin.

Một người biểu tình cầm bức ảnh của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Myanmar ở Bangkok. Ảnh: DPA

Quân đội Myanmar cho biết họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và các cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức sau khi thời hạn này kết thúc.

Quyền lực tại Myanmar hiện được chuyển giao cho Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Ông này sẽ chịu trách nhiệm về  "lập pháp, hành chính và tư pháp". Ông Myint Swe, một cựu tướng lĩnh và là phó tổng thống được quân đội hậu thuẫn, sẽ nắm quyền tổng thống.

Vụ chính biến diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng leo thang giữa chính phủ dân sự và quân đội, khi quân đội cáo buộc rằng cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11-2020 đã bị gian lận. Đảng NLD của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử này.

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các quan chức khác bị bắt giữ vào sáng ngày 1-2. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc vụ việc là một "cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và pháp quyền của đất nước" Myanmar và đe dọa sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với nước này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Australia cũng đã lên án cuộc chính biến. Nước Anh đã triệu tập đại sứ của Myanmar tại nước này để phản đối.

Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vụ việc hôm 2-2, sớm hơn dự định hai ngày.

Chủ tịch luân phiên Barbara Woodward tuyên bố HĐBA sẽ "xem xét một loạt các biện pháp để tìm cách kêu gọi thả các nhà lãnh đạo chính trị Myanmar, với ý tưởng tôn trọng ý kiến của người dân được thể hiện qua cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11-2020".

Bà Aung San Suu Kyi và hàng trăm quan chức Myanmar khác đang bị quản thúc tại gia, dưới sự canh gác của quân đội. Ảnh: AP

Trong khi đó, Trung Quốc lại kêu gọi cộng đồng quốc tế giữ bình tĩnh và không nên tiến hành bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng ở Myanmar. Chính quyền Bắc Kinh không lên án cuộc chính biến, thêm rằng vấn đề nên được các bên nội bộ Myanmar tự giải quyết.

Các hãng truyền thông của nước này mô tả vụ chính biến ở Myanmar và việc giam giữ bà Suu Kyi là "một cuộc cải tổ nội các lớn", theo SCMP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm