Bà Mạnh Vãn Châu có thể được trả tự do?

Tờ South China Morning Post đưa tin Thẩm phán Tòa án tối cao British Columbia (Canada) - ông Heather Holmes sẽ đưa ra một phán quyết quan trọng liên quan đến vụ án dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc). Có thể bà Mạnh sẽ được trả tự do.

Cụ thể, vào ngày 27-5, Thẩm phán Holmes sẽ quyết định vụ kiện chống lại bà Mạnh có thỏa mãn nguyên tắc tội phạm kép của Canada hay không.

Nguyên tắc tội phạm kép yêu cầu nghi phạm trong một vụ án dẫn độ phải bị buộc tội về một tội danh nào đó ở Canada cũng như ở quốc gia ra yêu cầu dẫn độ, theo South China Morning Post.

Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu xuất hiện tại Tòa tối cao British Columbia (Canada) hôm 20-1-2020. Ảnh: EPA

Trường hợp thứ nhất, nếu Thẩm phán Holmes quyết định rằng các nguyên tắc tội phạm kép không thỏa mãn thì bà Mạnh có thể được thả tự do. Tuy nhiên, việc phóng thích bà này còn phụ thuộc vào việc luật sư của chính phủ Canada đại diện cho phía Mỹ có quyết định kháng cáo hay không.

Trường hợp thứ hai, nếu Thẩm phán Holmes nói rằng nguyên tắc tội phạm kép được thỏa mãn, thì vụ án dẫn độ bà Mạnh vẫn được tiếp tục, có thể vào tháng 10 hoặc tháng 11-2020. Tuy nhiên, các luật sư của bà Mạnh nói rằng bà cũng sẽ được trả tự do với những lý do khác.

South China Morning Post cho biết thời điểm đưa ra quyết định tội phạm kép đã được công bố trong một thông báo gửi đến các luật sư. Các luật sư sẽ đưa ra chi tiết về bản án cho giới truyền thông sau đó.

Ngày 1-12-2018, bà Mạnh bị bắt tại sân bay Vancouver theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Nữ doanh nhân này bị buộc tội lừa đảo Ngân hàng HSBC về các giao dịch kinh doanh của Huawei tại Iran, qua đó vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này. Nếu bị kết án, bà sẽ phải ngồi tù 30 năm.

Phía luật sư của bà Mạnh nói rằng vụ lừa đảo này thực chất chỉ là bình phong cho việc truy tố thân chủ của họ về hành vi vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, chứ không phải phạm tội ở Canana.

Vụ xét xử bà Mạnh cũng đã được cân nhắc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Kể từ ngày 19-3 vừa qua, các tòa án British Columbia (Canada) mới trở lại làm việc bình thường.

Vào các ngày 31-3 và 27-4 vừa qua, hai phiên xử bà Mạnh đều được tiến hành qua điện thoại.

Quan hệ Canada - Trung Quốc căng thẳng quanh vụ án bà Mạnh

Vào tháng 12-2018, chín ngày sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc cũng đã bắt giữ cựu viên chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với cáo buộc gián điệp. Kể từ đó, quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh cũng tuột dốc.

Ông Michael Spavor (bên trái) và ông Michael Kovrig bị phía Trung Quốc bắt giữ hồi năm 2018 với cáo buộc gián điệp. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Hôm 21-5, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng việc Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada để “đáp trả” việc bắt giữ bà Mạnh cho thấy “họ không hiểu ý nghĩa của một nền tư pháp độc lập” - theo South China Morning Post.

“Chúng tôi đã nhìn thấy có sự liên quan của các quan chức Trung Quốc trong hai vụ bắt giữ này ngay từ ban đầu. Canada có một hệ thống tư pháp độc lập hoạt động mà không có sự can thiệp hay kiểm soát của các chính trị gia. Trung Quốc không hoạt động theo cách tương tự và họ dường như không hiểu điều đó” - ông Trudeau nhấn mạnh.

 Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng việc Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada là hành động "đáng xấu hổ". Ảnh: REUTERS

Ông Trudeau gọi hành động này là "đáng xấu hổ" và yêu cầu Trung Quốc thả ngay lập tức hai công dân Canada.

Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Cong Peiwu phát biểu: “Các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đang xử lý các vụ việc của các ông Kovrig và Spavor theo đúng luật pháp”.

Về vụ bắt giữ bà Mạnh, ông Cong nói: “Vụ án bà Mạnh là vấn đề lớn nhất trong mối quan hệ giữa hai nước. Tôi yêu cầu bà ấy phải được đưa về Trung Quốc một cách suôn sẻ và an toàn”.

Hiện bà Mạnh đang sống trong một biệt thự của bà trị giá 13,6 triệu CAD (khoảng 9,8 triệu USD). Bà được tại ngoại sau khi đóng 10 triệu CAD (7 triệu USD) tiền bảo lãnh và được đi lại trong TP Vancouver, ngoại trừ sân bay, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của thiết bị GPS gắn trên người.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm