Ảnh vệ tinh: Trung Quốc tiếp tục bồi lấp trái phép ở đá Subi

Các ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Mỹ Maxar ghi lại cho thấy Trung Quốc đã bồi lấp một khu vực mới tại đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng trái phép), tờ South China Morning Post đưa tin ngày 24-3.

Theo một ảnh mà South China Morning Post tiếp cận được từ Maxar, Trung Quốc đã bồi lấp một khu vực rộng khoảng 2,85 ha tại rìa phía nam rặn san hô ở đá Subi. Không rõ hình ảnh này được chụp này nào, song hình ảnh chụp ngày 20-2 không có chi tiết nào về khu vực bồi lấp trái phép này.

Theo Maxar, một mô hình tròn đang được xây dựng ở một góc khu vực mới được bồi lấp trái phép, cho thấy Trung Quốc muốn dựng một toà nhà hoặc xây một vòm che radar. 

Khu vực rộng 2,85 ha mà Trung Quốc mới bồi lấp trái phép ở đá Subi. Ảnh: SMCP chụp màn hình từ kho ảnh của MAXAR

Chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Quốc tế học S. Rajaratnam (Singapore) nói rằng công trình mới như vậy có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, nhất là khi xét tới vị trí của kết cầu hình tròn này nằm gần rìa khu vực mới được bồi lấp trái phép.

"Công trình có thể cho phép thực hiện các hoạt động quy mô lớn, có lẽ thích hợp hơn cho trực thăng hạ cánh và thậm chí là một địa điểm cho các hệ thống vũ khí di động hoặc các cảm biến" - ông Koh phân tích.

Nhà phân tích quân sự Hong Kong Tống Trung Bình cho rằng bên cạnh việc lắp đặt các hệ thống quân sự, công trình (trái phép) tại đá Subi "có thể được sử dụng để cải thiện môi trường sống cho những bih sĩ đóng quân ớ đó".

Hành động phi pháp này là nỗ lực mới nhất của giới chức Bắc Kinh nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông dù không đưa ra được bằng chứng hợp pháp và xác đáng nào cho các yêu sách này. Động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và trên thế giới. 

Hình ảnh đối chiếu chụp ngày 20-2 chứng minh khu vực 2,85 ha được Trung Quốc bồi lấp trong khoảng một tháng qua. Ảnh SCMP chụp màn hình từ kho ảnh của MAXAR

Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, theo đuổi và tìm cách hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền phi pháp bao trọn gần như toàn bộ Biển Đông.

Từ năm 2013, hoạt động nạo vét bắt đầu được đẩy mạnh ở bảy thực thể do Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Trường Sa. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các trạm radar, đường băng và đưa tên lửa đất đối không ra các đảo nhân tạo phi pháp này.

Đá Subi thuộc cụm Thị Tứ, là thực thể cực bắc trong nhóm các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Nằm gần đá Subi nhất là đảo Thị Tứ (cách đó 26 km) - đảo có diện tích tự nhiên lớn thứ hai tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đã bị Philippines chiếm đóng trái phép từ những năm đầu thập niên 1970.

Thông tin từ South China Morning Post có thể tiếp tục đẩy căng thẳng ở Biển Đông thêm nghiêm trọng.

Trước đó, giới chức Philippines cho biết các tàu cá vỏ thép của Trung Quốc đã tập trung số lượng lớn gần đá Ba Đầu ở cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam và chưa bị nước nào chiếm đóng) từ đầu tháng 3 đến nay. Manila đã gửi công hàm phản đối hành động này của giới chức Bắc Kinh, song nhận được lời giải thích rằng tàu Trung Quốc tránh trú trong điều kiện thời tiết xấu.

Hồi giữa tháng 2, một ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng phi pháp trên đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam) mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Việt Nam luôn phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc, nhấn mạnh chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, kêu gọi các bên kiềm chế không leo thang căng thẳng và không có các hành động phi pháp vi phạm luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có bình luận về thông tin mới từ South China Morning Post

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm