Ấn Độ nêu lập trường về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Ấn Độ mong muốn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ tuân thủ đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và đảm bảo quyền lợi của cả các bên không tham gia COC, tờ India Times đưa tin hôm 26-7.

Một thông điệp về lập trường của Ấn Độ liên quan tới COC đã được đưa ra hôm 24-6, trong một hội nghị trực tuyến của các quan chức cấp cao đến từ 18 nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Cuộc họp này nhằm chuẩn bị cho cuộc họp chính thức của lãnh đạo các nước này, dự kiến sẽ tổ chức ở Brunei vào tháng 11 năm nay.

Trong cuộc họp hôm 24-6, đại diện của chính quyền New Delhi nhấn mạnh lợi ích của Ấn Độ trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế

Ảnh minh họa - Tàu khu trục INS Sahyadri của hải quân Ấn Độ trong chuyến thăm Manila (Philippines) hồi cuối năm 2019. Ảnh: RAPPLER

Ấn Độ khẳng định lập trường rằng dù chỉ do Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán, COC không được gây phương hại đối với lợi ích hợp pháp của các bên thứ ba và phải hoàn toàn phù hợp với UNCLOS.

Đây được coi là một thông điệp rõ ràng nhưng tinh tế của Ấn Độ gửi tới Trung Quốc, đòi hỏi quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu thuyền và máy bay các nước ngoài khu vực.

Hơn 50% lượng hàng hóa mà Ấn Độ giao dịch với thế giới và hơn 5.000 tỉ USD (hơn 115 triệu tỉ đồng) giao dịch thương mại toàn cầu cần đi qua Biển Đông.

Trung Quốc và các nước ASEAN đang tiếp tục đàm phán để xây dựng và thực hiện COC phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ký kết hồi năm 2002, song các bên vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết.

Dự thảo khung về COC đã được thông qua năm 2017 và đến đầu tháng 8-2018, Trung Quốc và ASEAN đã thông báo hoàn tất Văn bản dự thảo đàm phán chung về COC.

Trong ba năm qua, tình hình ở Biển Đông đã nóng lên với các động thái gây hấn của Trung Quốc, ảnh hưởng tới quá trình đàm phán. Đại dịch COVID-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 cũng cản trở các cuộc đối thoại trực tiếp, phần nào làm giảm tiến độ đàm phán.

Cũng trong cuộc họp, phái đoàn Ấn Độ cũng thể hiện sự ủng hộ đối với tiến trình do ASEAN đề ra để giải quyết các vấn đề ở Myanmar. New Delhi nêu rõ rằng với vai trò là “một nước bạn bè và một láng giềng gần gũi với Myanmar, Ấn Độ sẽ tiếp tục thể hiện một vai trò xây dựng và có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề hiện tại ở đó”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm