Ấn Độ mất liên lạc tàu đổ bộ, giấc mơ Mặt trăng thất bại?

Ấn Độ đã cố gắng hạ cánh một tàu vũ trụ robot xuống gần cực nam Mặt trăng hôm nay (7-9) với mong muốn trở thành quốc gia thứ tư sau Mỹ, Nga và Trung Quốc thực hiện một cuộc đổ bộ lên Mặt trăng, nhưng dường như họ đã thất bại, báo The New York Times đưa tin.

Các bước ban đầu của cuộc đổ bộ gần như diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, khi tàu thăm dò chuẩn bị đáp xuống Mặt trăng thì bị mất liên lạc.

Tàu vũ trụ Ấn Độ bay trên quỹ đạo Mặt trăng. Ảnh: NBC

Từ phòng kiểm soát tàu vũ trụ tại thành phố Bangalore ở miền nam Ấn Độ, ông Kailasavadivoo Sivan, chủ tịch cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), cho biết tàu thăm dò Vikram của họ đã hạ thấp dần xuống bề mặt Mặt trăng bình thường và theo đúng kế hoạch, nhưng sau đó mất liên lạc với trạm kiểm soát mặt đất. Hiện các dữ liệu liên quan đang được phân tích.

Thủ tướng Narendra Modi cũng đã tới Trung tâm vũ trụ Bangalore để theo dõi sự kiện đổ bộ Mặt trăng của tàu Vikram. Sau khi nhận được thông báo của ông Sivan, Thủ tướng Ấn Độ đã chia sẻ nỗi thất vọng cũng như động viên nhóm nghiên cứu: "Những gì các bạn đã làm được rồi không phải là một thành tựu nhỏ".

"Thành công và thất bại vẫn cứ tiếp diễn trong đời sống. Nỗ lực của các bạn đã dạy chúng tôi rất nhiều và cả nước tự hào về các bạn. Nếu việc liên lạc (với tàu đổ bộ) tiếp tục trở lại, hãy hy vọng điều tốt đẹp nhất… Hành trình của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục. Hãy vững vàng. Tôi luôn ở bên các bạn", ông Modi nói. 

Sự im lặng bao trùm phòng điều khiển của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ ở Bangalore khi liên lạc từ tàu đổ bộ Vikram bị mất. Ảnh: EPA

Tàu Chandrayaan-2, tiếng Phạn nghĩa là "du thuyền lên Mặt trăng", đã cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại đảo Sriharikota ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ vào ngày 22-7.

Tàu đã đi một hành trình dài đến Mặt trăng. Đến đầu tuần này, tàu đổ bộ Vikram, được đặt theo tên ông Vikram A. Sarabhai - cha đẻ của chương trình vũ trụ Ấn Độ, đã tách khỏi quỹ đạo và di chuyển về phía Mặt trăng.

15 phút trước khi hạ cánh theo kế hoạch, tàu Vikram đã di chuyển với vận tốc 3.200 km/giờ ở độ cao hơn 30 km. Bốn trong số các động cơ của tàu phải hãm tốc độ để tiến xuống bãi đáp trên một đồng bằng cao, bằng phẳng ở cực nam Mặt trăng. Sau đó trong quá trình hạ cánh, có vẻ như Vikram đang lao xuống quá nhanh và sau đó dữ liệu từ tàu vũ trụ kết thúc.

Chuyến bay của Vikram chứa đựng nhiều rủi ro, đòi hỏi tàu đổ bộ phải giảm tốc độ tới mức gần như dừng hẳn, tự động quét chướng ngại vật trên bề mặt, sau đó từng bước tránh những trở ngại trong quá trình tiếp đất. Phần lớn nỗ lực đáp xuống Mặt trăng đều thất bại trong lúc phóng hoặc trong hành trình hạ cánh. "Dù chúng tôi đã tiến vào quỹ đạo Mặt trăng thành công, tiếp đất vẫn là thời khắc đáng sợ", ông Sivan chia sẻ tại một buổi họp báo hồi tháng 8.

Được biết, nhiệm vụ khoa học của tàu Chandrayaan-2 là nghiên cứu sự phân bố băng và những hợp chất dễ bay hơi ở vùng cực nam. Tàu bay quanh quỹ đạo có thể lập bản đồ bề mặt Mặt trăng với độ phân giải cao, cũng như sự đánh dấu nơi tồn tại của các nguyên tố như magnesium. Hệ thống radar trên tàu có thể tìm kiếm băng lẫn trong đất.

Nếu tàu thám hiểm Chandrayaan-2 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa thiết bị lên phần phía Nam của Mặt trăng. Ảnh: CNN


Đây là lần thứ ba trong năm các tàu vũ trụ cố gắng hạ cánh trên Mặt trăng. Vào tháng 1, Trung Quốc đã hạ cánh tàu thăm dò đầu tiên ở phía xa vùng tối nhất của Mặt trăng. Tàu Hằng Nga 4 cũng truyền về ảnh chụp cận cảnh đầu tiên phần tối của Mặt trăng qua vệ tinh chuyển tiếp dữ liệu Cầu Ô Thước.

Đến tháng 4, một tổ chức phi lợi nhuận của Israel đã gửi một tàu vũ trụ robot nhỏ tên Beresheet lên Mặt trăng, nhưng nỗ lực hạ cánh của nó cũng đã diễn ra theo cách tương tự như Chandrayaan-2 của Ấn Độ. Con tàu ban đầu đã đi theo kế hoạch nhưng rồi mất liên lạc khi tiến gần bề mặt Mặt trăng. Sau đó người ta phát hiện một lệnh tắt động cơ đã được gửi đi không chính xác.

Dù tàu đổ bộ Vikram có thể đã đâm xuống bề mặt và mất liên lạc, nhưng tàu vũ trụ Chandrayaan-2 vẫn an toàn trên quỹ đạo Mặt trăng và sẽ tiếp tục phục vụ nghiên cứu khoa học trong một năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm