4 thách thức lớn trong việc chống dịch COVID-19

Để ngăn chặn việc dịch COVID-19 sẽ trở thành một đại dịch bùng phát ở quy mô toàn cầu, cộng đồng quốc tế đang cố gắng xác định và cách ly các trường hợp nhiễm bệnh, loại bỏ nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Đại học Hoàng gia London phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy thế giới đang thất bại trong việc đạt được yêu cầu này, trang tin Channel News Asia ngày 26-2 cho hay.

“Trên toàn thế giới, chúng tôi ước tính khoảng 2/3 số ca nhiễm COVID-19 đã đi ra ngoài Trung Quốc đại lục vẫn chưa được phát hiện, có khả năng tạo ra những chuỗi lây nhiễm từ người sang người chưa được phát hiện bên ngoài Trung Quốc” - nhóm chuyên gia viết trong báo cáo công bố hôm 21-2. 

Việc rà soát và kiểm tra sàng lọc lâm sàng là một trong số các vấn đề lớn trong việc phòng dịch COVID-19. Ảnh: CNN

Nhóm chuyên gia đã chỉ ra một số vấn đề mà ngành y tế toàn cầu còn phải đối mặt trong chặng đường phòng ngừa và đối phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới.

1. Các ca bệnh không có hoặc có ít triệu chứng

Chuyên gia Daniel Levy-Bruhl thuộc Cơ quan Y tế công cộng Pháp, nhắc đến một trong những vấn đề đối với chủng virus này là “có một loạt các triệu chứng lâm sàng” khác nhau, bao gồm cả những triệu chứng như cảm lạnh thông thường.

Ông Levy-Bruhl lo ngại những người có ít triệu chứng hoặc các triệu chứng không rõ ràng có thể lọt qua khỏi hệ thống kiểm tra y tế.       

Những trường hợp còn khó phát hiện hơn là các bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện thành triệu chứng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết những bệnh nhân như vậy chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ.

“Những người như vậy có thể giúp lan rộng sự lây nhiễm nhưng chắc chắn là số người này ít hơn số người có triệu chứng ho và hắt hơi” - ông Levy-Bruhl nói.

“Các nghiên cứu cho tới hiện tại xác nhận ở đại đa số các ca bệnh, những người truyền bệnh là những người biểu hiện ra thành triệu chứng”.

2. Câu hỏi về thời gian ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh, tức là thời gian từ lúc nhiễm virus COVID-19 đến lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên, được hầu hết các nghiên cứu xác định là khoảng 10 ngày. Đây là cơ sở cho yêu cầu cách ly 14 ngày đối với các trường hợp nghi nhiễm và có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tuy nhiên, một số ít nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc kết luận rằng thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 24 ngày hoặc thậm chí là 27 ngày. Nhiều nhà khoa học đã tỏ ra nghi ngờ về những phát hiện này.

“Các dữ liệu hiện có cho thấy điều ngược lại rằng thời gian ủ bệnh trên thực tế là ngắn hơn. Có rất ít khả năng thời gian này dài hơn 14 ngày” - chuyên gia Levy-Bruhl nói.

Thậm chí nếu thời gian ủ bệnh ở một số bệnh nhân là lâu hơn, các trường hợp này vẫn là “hiếm gặp”, chuyên gia Yazdan Yazdanpanah thuộc WHO đồng tình với ông Levy-Bruhl.

“Một dịch bệnh không chỉ lây nhiễm thông qua những ca bệnh cực đoan, biểu hiện sự khác thường như vậy. Chúng ta cần tập trung vào những điều phổ biển hoặc thường gặp nhất” - ông Yazdanpanah nói tiếp. 

Đặc tính của bệnh COVID-19 gây ra một số khó khăn cho việc xét nghiệm chính xác các ca bệnh. Ảnh: AP

3. Tính đáng tin của kết quả xét nghiệm

Trong tuần trước, hai công dân Úc và một công dân Israel xuống từ du thuyền Diamond Princess đã được xác nhận dương tính với virus COVID-19. Nhưng trước khi được cho phép rời khỏi tàu, cả ba đều cho kết quả âm tính.

Điều này dấy lên câu hỏi về việc liệu chúng ta đã áp dụng đúng cách xét nghiệm đối với các trường hợp này hay chưa. Hiện tại, các phòng nghiên cứu chuyên khoa có thể cho ra kết quả xét nghiệm chỉ trong vòng vài giờ.

Ông Yazdanpanah giải thích rằng trong thời gian bắt đầu bệnh, cũng như trong thời gian chuẩn bị hết bệnh, “người bệnh đào thải nhiều virus”. Do đó, ông cho rằng “đây không phải là vấn đề của thiết bị xét nghiệm”.

“Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là họ có ít khả năng lây nhiễm hơn tại thời điểm đó và có ít ảnh hưởng hơn tới dịch bệnh” - ông nói tiếp.

4. Trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây lan

Các chiến lược nhằm ngăn chặn dịch lây lan sẽ khó có thể kéo dài hơn khi ngày càng nhiều các quốc gia phát hiện các ổ dịch mới trong nước. Khi đó, giới chức y tế các nước phải chuyển từ phòng ngừa sang đối phó với dịch bệnh.

“Trong trường hợp như vậy, chúng ta không thể duy trì cách tiếp cận tương tự để xác định và cách ly tất cả ca bệnh bởi vì chúng ta không có nguồn lực” - ông Simon Cauchemez - một chuyên gia thuộc Viện Pasteur Paris, cho biết.

“Có 85% các ca nhiễm bệnh không chuyển sang tình trạng bệnh nghiêm trọng. Nhưng những người bị bệnh nghiêm trọng sẽ tồi tệ hơn cả bị cúm mùa và cần được nhập viện” - ông Yazdanpanah giải thích cho cách dịch bệnh trở thành gánh nặng cho các nước, thậm chí là các nước phát triển.

Còn một vấn đề nữa là số ca tử vong vì virus COVID-19. “Thậm chí chỉ có 3% ca bệnh không qua khỏi, tổng số ca tử vong có thể lớn hơn rất nhiều nếu khoảng 30%-60% dân số nhiễm bệnh” - ông Cauchemez lo ngại.

So sánh với được vùng phát dịch Ebola năm 2014-2016 ở Tây Phi, dịch COVID-19 gây ra ít ca tử vong hơn nhưng cũng gây nhiều khó khăn hơn trong công tác phát hiện và đẩy lùi chúng.

Hiện tại, số ca tử vong vì nhiễm virus COVID-19 là 2.763 người và đã có hơn 80.000 ca nhiễm bệnh, theo báo South China Morning Post. Đặc biệt, số ca nhiễm và ca tử vong đã tăng cao ở một số nước như Hàn Quốc, Iran và Ý, tạo ra các ổ dịch mới ngoài lãnh thổ Trung Quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm