3 cựu thủ tướng cùng biểu tình phản đối chính phủ đương nhiệm

Ba cựu Thủ tướng Nepal đã tham gia cùng cuộc biểu tình ngồi của hàng trăm người dân để phản đối việc chính quyền đương nhiệm bất ngờ giải tán quốc hội hôm 20-12, hãng Reuters đưa tin.

Ngày 25-12, ba ông Pushpa Kamal Dahal (thường được biết đến với tên gọi Prachanda), Madhav Kumar Nepal và Jhala Nath Khanal, những người từng giữ chức Thủ tướng Nepal liên tục trong giai đoạn 2008-2011, đã tham gia biểu tình gần văn phòng của Thủ tướng K.P. Sharma Oli (đương nhiệm).

Ngoài ra, gần 300 thành viên Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Nepal (NCP - cầm quyền) và gần 100 nhà lập pháp cũng tham gia biểu tình.

Ba cựu Thủ tướng Nepal cho rằng ông Oli không có quyền giải tán quốc hội và do đó, quyết định của chính quyền đương nhiệm là vi hiến. 

Cựu Thủ tướng Nepal Prachanda (trái) và đương kim Thủ tướng K.P. Sharma Oli (phải). Ảnh: KHABARHUB (Nepal)

"Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc biểu tình mạnh mẽ hơn để chống lại lệnh giải tán (quốc hội) do một thủ tướng không biết chừng mực ban hành" - ông Prachanda nói.

Cũng trong ngày 25-12, Tòa án Tối cao Nepal đã yêu cầu Thủ tướng Oli giải thích cơ sở pháp lý cho quyết định giải tán quốc hội và nộp lại biên bản các đề xuất đã trình lên Tổng thống Bidya Devi Bhandari liên quan tới quyết định này.

Quyết định giải tán quốc hội được cho là một động thái bất ngờ của ông Oli dù trước đó ông đã gặp bất đồng sâu sắc với các đồng minh trong NCP.

"Ngài Thủ tướng đã mất đi sự ủng hộ của đa số các nhà lập pháp, ủy ban trung ương và ban thư ký của đảng. Thay vì tìm kiếm một sự thỏa hiệp trong đảng, ông ấy đã chọn giải tán quốc hội" - ông Bishnu Rijal, một thành viên Ủy ban Trung ương NCP, nói.

Ông Oli bị cáo buộc đã bỏ qua tiếng nói và lợi ích của đảng NCP khi đưa ra các quyết định của chính phủ. Những quan chức bất mãn còn gây áp lực đòi ông Oli từ chức.

Trong khi đó, ông Oli cho rằng bất đồng nội bộ và sự thiếu hợp tác từ các đảng viên NCP đã làm tê liệt các quyết định của chính phủ, buộc ông phải lựa chọn việc tập hợp một quốc hội mới với hy vọng có được sự ủng hộ của nhiều nhà lập pháp hơn.

Văn phòng Tổng thống Nepal cho biết theo đề xuất từ nội các của ông Oli, thời gian bầu cử sẽ là ngày 30-4 đến ngày 10-5 năm 2021. Trong khi, nếu không có những bất ổn này, nhiệm kỳ của các đại biểu quốc hội phải tới đầu năm 2023 mới kết thúc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm