1 triệu người phản đối: Hong Kong nói gì về dự luật dẫn độ?

Một ngày sau cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang Trung Quốc đại lục, sáng 10-6, lãnh đạo chính quyền Đặc khu Hong Kong tuyên bố sẽ không rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi này.

Bà Carrie Lam – Trưởng Đặc khu Hong Kong nói bà không có kế hoạch rút điều khoản đang bị tranh cãi cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang Trung Quốc đại lục.

“Đây là một điều khoản rất quan trọng của luật, giúp giữ vững công lý và đảm bảo Hong Kong tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế liên quan các tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia” – hãng tin AFP dẫn lời bà Carrie Lam.

Biểu tình ở Hong Kong ngày 9-6 phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang Trung Quốc đại lục. Ảnh: SCMP

Biểu tình ở Hong Kong ngày 9-6 phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang Trung Quốc đại lục. Ảnh: SCMP

Ngày 9-6, ước tính từ vài trăm ngàn cho tới một triệu người đã xuống đường biểu tình ở Hong Kong nhằm phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.

Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất Hong Kong trong vài năm gần đây, theo đánh giá của hãng tin Reuters.

Bên cạnh phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, người biểu tình còn kêu gọi bà Carrie Lam – Đặc khu trưởng Hong Kong từ chức.

Dù được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 nhưng Hong Kong vẫn được giữ quyền tự trị và một số quyền tự do, trong đó có quyền có hệ thống tòa án riêng biệt. Và trước ngày biểu tình 9-6 Hong Kong đã râm ran bất ổn từ nhiều tuần trước quanh sự điều chỉnh mới trong luật dẫn độ nước này.

Sinh viên biểu tình ở Hong Kong ngày 9-6 phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang Trung Quốc đại lục. Ảnh: REUTERS

Sinh viên biểu tình ở Hong Kong ngày 9-6 phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang Trung Quốc đại lục. Ảnh: REUTERS

Theo nhiều người dân Hong Kong, dự luật này sẽ giúp Trung Quốc đại lục dễ dàng hơn trong bắt giữ người tại Hong Kong với nhiều lý do, kể cả các lý do chính trị. Dự luật này cũng bị cho là sẽ làm suy yếu sự độc lập về luật pháp của Hong Kong.

Không chỉ nội bộ Hong Kong, dự luật này còn gặp phản đối từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu. Nhiều nước lo ngại dự luật sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng là một trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong, đồng thời cảnh báo những người nước ngoài bị Trung Quốc truy nã sẽ né Hong Kong vì sợ bị bắt dẫn độ sang Trung Quốc.

Phần mình, chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục sẽ góp phần làm hệ thống pháp luật hiện tại của Hong Kong hoàn thiện hơn.

Như vậy theo lời bà Carrie Lam nói thì dự luật dẫn độ mới vẫn sẽ được đưa vào bỏ phiếu ngày 12-6 như dự kiến. Một khi được thông qua, luật sẽ cho phép chính quyền Hong Kong dẫn độ các nghi phạm, tội phạm sang các lãnh thổ mà Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ chính thức, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm