Sợ Mỹ kiểm soát, Trung Quốc sử dụng công nghệ hạt nhân riêng

Theo tờ South China Morning Post hôm 14-9, Trung Quốc đã chuyển từ sử dụng công nghệ điện hạt nhân của Mỹ sang một giải pháp thay thế được phát triển trong nước. Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh những lo lắng của nước này về an ninh năng lượng và những bất ổn địa chính trị đang gia tăng.

Công nghệ AP1000 do Công ty Điện lực Westinghouse của Mỹ thiết kế từng là nền tảng của năng lượng hạt nhân thế hệ thứ ba của Trung Quốc.

Bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Ảnh: TÂN HOA XÃ

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, AP1000 được coi là thiết bị quan trọng được sử dụng trong hạm đội hạt nhân thế hệ thứ ba của Trung Quốc vì các tính năng an toàn và đơn giản. Bên cạnh đó, các cấu trúc mô-đun và các thành phần nhỏ hơn có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực tế một cách thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, nhiều lò phản ứng thế hệ thứ ba dựa trên công nghệ Hualong One do Trung Quốc phát triển đang được xây dựng hoặc phê duyệt hơn so với các lò phản ứng sử dụng AP1000.

Công nghệ của Trung Quốc

Tổng cộng có 12 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc đang được xây dựng hoặc đang trong quá trình phê duyệt sử dụng công nghệ Hualong One. Ngược lại, không có lò phản ứng AP1000 mới nào được phê duyệt trong hơn một thập niên qua.

Hualong One dựa trên các công nghệ ACP 1000 của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) và ACPR 1000 của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc. Cả hai công nghệ này đều được phát triển ở Pháp.

Công nghệ này đã được Trung Quốc đánh giá cấp quốc gia vào năm 2014 - ba năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

Sau đó, nó đã được một số nhà máy điện áp dụng. Đi đầu là công ty CNNC với việc thông báo rằng tổ máy thứ năm và thứ sáu tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sẽ sử dụng công nghệ Hualong One - đánh dấu lần đầu tiên công nghệ này được triển khai.

Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2015. Sau khi nhận được giấy phép hoạt động từ Bộ Sinh thái và Môi trường, việc nạp nhiên liệu hạt nhân tại tổ máy thứ năm tại đã bắt đầu vào đầu tháng 9. Dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động.

Cũng trong tháng 9, việc xây bê tông nền cho tổ máy Hualong One thứ hai tại nhà máy điện hạt nhân Chương Châu ở Phúc Kiến đã được triển khai, CNNC cho biết.

Trong khi đó, bốn lò phản ứng hạt nhân được phê duyệt vào năm ngoái và bốn lò khác vừa được phê duyệt vào ngày 2-9 ở tỉnh Hải Nam và Chiết Giang cũng sẽ sử dụng công nghệ Hualong One.

Không muốn bị Mỹ kiểm soát

Kế hoạch phát triển điện hạt nhân do Trung Quốc được công bố vào năm 2007 đã đề xuất nước này nên áp dụng công nghệ Hualong One như một công nghệ thống nhất và gọi việc này là ưu tiên quốc gia.

Ông Wang Yingsu - một trong những người đứng đầu của Hội đồng xúc tiến năng lượng điện Trung Quốc cho biết: "Đã có những cuộc tranh luận về các công nghệ khác nhau và kế hoạch làm rõ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng lò phản ứng nước điều áp Hualong One".

Ông Wang cho biết việc nội địa hóa công nghệ, phát triển công nghệ điện hạt nhân trong nước và khả năng xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân một cách độc lập luôn là những mục tiêu của Trung Quốc kể từ khi nước này bắt đầu sử dụng điện hạt nhân hơn 50 năm trước.

“Nhiều nhà máy điện sẽ chọn Hualong One trong tương lai vì đây là công nghệ được phát triển độc lập của Trung Quốc và nó có chất lượng sánh ngang với AP1000” - ông Wang nói.

“AP1000 là công nghệ của Mỹ và Trung Quốc có thể bị họ kiểm soát nếu muốn xây dựng các lò phản ứng, bán hoặc xuất khẩu sang các nước khác” - theo ông Wang

Những bất ổn địa chính trị là mối quan tâm khác của Trung Quốc. Để tránh những rủi ro mà các nhà máy điện có thể gặp phải do cạnh tranh Mỹ-Trung gây ra, Bắc Kinh đã khuyến khích các nhà máy hạt nhân và các tập đoàn quân sự nội địa hóa thiết bị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm