Singapore cảnh báo về tranh chấp biển Đông

Ngày 14-5, Hội nghị và triển lãm quốc phòng biển quốc tế ở châu Á lần thứ chín đã khai mạc tại Trung tâm triển lãm Changi (Singapore). 

Báo Straits Times (Singapore) đưa tin có 61 phái đoàn từ 48 nước tham dự hội nghị. Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương tránh phạm sai lầm khi leo thang căng thẳng và đối đầu trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Ông nhấn mạnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu mà thế giới rất cần trong bối cảnh nền kinh tế thế giới không chắc chắn hiện nay. Ông cảnh báo khu vực này có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội vàng để tiếp tục tăng trưởng kinh tế và thương mại nếu các tranh chấp ở biển Đông không được dàn xếp bằng luật pháp quốc tế.

Hôm trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo tại Singapore trước thềm hội nghị, ông Bob Nugent, Phó Chủ tịch Công ty tư vấn và phân tích thị trường hải quân AMI International (Mỹ), dự báo đến năm 2032, hải quân của các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiêu tốn khoảng 200 tỉ USD để sắm 1.046 tàu hải quân mới gồm tàu chiến, tàu ngầm, tàu đổ bộ… Ấn Độ và Trung Quốc sẽ mua đến
30% số lượng tàu hải quân mới kể trên. Trong khi đó, đến năm 2032, Mỹ dự kiến sẽ đặt mua thêm 453 tàu hải quân.

Ngày 14-5, phát biểu trước Quốc hội Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe cảnh báo Nhật có thể phản ứng quân sự nếu tàu ngầm nước ngoài xâm nhập vào lãnh hải của Nhật.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nhật cho biết một tàu ngầm của nước ngoài xuất hiện ở vùng tiếp giáp lãnh hải gần một hòn đảo thuộc quần đảo Okinawa (Nhật) từ cuối ngày 12 đến sáng 13-5. Bộ Quốc phòng không xác nhận thông tin của báo chí Nhật nói đó là tàu ngầm Trung Quốc.

Trước đó một ngày, tại cuộc hội đàm với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã hối thúc Brunei hợp tác để kiềm chế tham vọng hàng hải đang gia tăng của Trung Quốc.

Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ hy vọng sẽ củng cố quan hệ với Brunei dựa trên năm nguyên tắc ngoại giao của Nhật đối với ASEAN, bao gồm việc bảo đảm thông suốt các tuyến giao thương biển dựa trên các quy tắc và luật pháp chứ không phải bằng sức mạnh vũ lực.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm