Scotland ‘ly hôn’ với Anh

Ngày 18-9 (giờ địa phương), gần 4,3 triệu cử tri Scotland sẽ tham gia trưng cầu dân ý quyết định Scotland độc lập hay tiếp tục thuộc vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Vương quốc Scotland hoạt động như một quốc gia độc lập vào thế kỷ thứ 9. Năm 1707, vương quốc Scotland chính thức tham gia liên minh chính trị với vương quốc Anh để lập thành vương quốc Liên hiệp Anh. Hai Quốc hội cũng hợp nhất thành một.

Sau đó vương quốc Liên hiệp Anh tiếp tục tham gia liên minh chính trị với vương quốc Ireland để lập thành vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland. Kế đến tên gọi này được đổi thành vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland như ngày nay sau khi miền Nam Ireland tuyên bố độc lập thành Cộng hòa Ireland.

Năm 1999, lần đầu tiên Scotland được phép tổ chức bầu cử Quốc hội (129 ghế) với quyền lực hạn chế.

Năm 2007, đảng Dân tộc Scotland (chủ trương Scotland độc lập) thắng cử. Chủ tịch đảng Alex Salmond giữ chức thủ hiến Scotland.

Cơn sốt độc lập (Independence fever) ở Scotland. Biếm họa của Steve Sack (báo The Minneapolis Star Tribune).

Ba năm sau, Scotland công bố dự luật trưng cầu dân ý với ba lựa chọn: Tăng thêm quyền tự trị cho Scotland về thuế; tự trị tối đa (Scotland có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trừ quốc phòng, ngoại giao, tài chính, tiền tệ) và độc lập hoàn toàn.

Khi đưa ra Quốc hội Scotland biểu quyết, dự luật bị phe đối lập phản đối.

Năm 2011, đảng Dân tộc Scotland tiếp tục thắng cử. Một năm sau, Anh và Scotland ký thỏa thuận đồng ý cho Scotland tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập.

Tháng 6-2013, Quốc hội Scotland thông qua Luật Trưng cầu dân ý về nền độc lập Scotland.

Luật quy định trên lá phiếu có câu hỏi: “Scotland có nên trở thành quốc gia độc lập hay không?” cùng với hai ô trống để đánh dấu “có” hoặc “không”. Scotland sẽ độc lập nếu kết quả hơn 50% số phiếu trả lời “có”. Nếu đạt kết quả này, ngày 24-3-2016 Scotland sẽ tuyên bố độc lập.

Mọi công dân Scotland, công dân vương quốc Anh trên 16 tuổi sinh sống ở Scotland, công dân trên 16 tuổi của khối thịnh vượng chung và EU sinh sống ở Scotland và cử tri Scotland là quân nhân ở nước ngoài đều có quyền bỏ phiếu.

Đảng Dân tộc Scotland cho rằng khi trở thành quốc gia độc lập, Scotland sẽ được lợi như sau:

- Người dân sẽ có đầy đủ quyền dân chủ và tự quyết trong mọi lĩnh vực.

- Scotland hưởng mọi lợi ích kinh tế từ tài nguyên, đặc biệt là dầu khí ở biển Bắc.

- Scotland có cơ hội trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, NATO, EU và các tổ chức quốc tế khác, từ đó gia tăng ảnh hưởng quốc tế.

Tuy nhiên, tạp chí Forbes (Mỹ) nhận định độc lập sẽ trở thành tai họa đối với kinh tế Scotland vì:

- Tiền tệ rối loạn: Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne khẳng định Anh không cho phép Scotland sử dụng đồng bảng. Nếu sử dụng tiền tệ mới, các nhà đầu tư có thể bỏ Scotland.

- Ảo tưởng về nguồn lợi dầu mỏ: Trong những năm qua, sản lượng dầu mỏ ở biển Bắc giảm mạnh. Dự kiến doanh thu giảm từ 10,8 tỉ USD năm 2013 xuống còn 5,5 tỉ USD năm 2016. Khi dầu mỏ cạn kiệt, Scotland không còn nguồn tài nguyên quan trọng nào để phát triển.

- Mất vị thế: Vương quốc Anh là nền kinh tế thứ hai châu Âu, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và là thành viên lãnh đạo của NATO, G20, Tổ chức Thương mại Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác. Scotland độc lập khó có vị thế như hiện nay.

LÊ LINH

Tháng 11-2013, Scotland đã công bố Sách Trắng với tựa đề “Tương lai Scotland”. Sách Trắng khẳng định một số giải pháp khi Scotland độc lập: Ban hành hiến pháp mới, tiếp tục tôn vinh nữ hoàng Anh; tiếp tục sử dụng đồng bảng Anh và gánh một phần nợ quốc gia; xây dựng quân đội 15.000 quân; di dời các tàu ngầm của vương quốc Anh khỏi căn cứ hải quân Clyde ở Scotland.

Độc lập có nghĩa là chúng ta sẽ không còn sử dụng đồng tiền chung. Độc lập có nghĩa là quân đội chúng ta cùng nhau xây dựng qua nhiều thập niên sẽ bị tách ra mãi mãi… Độc lập không phải là ly thân thử nghiệm và sẽ là một cuộc ly hôn đau đớn… Nếu các bạn rời bỏ vương quốc Anh, đó sẽ là cuộc chia ly mãi mãi.

Thủ tướng Anh DAVID CAMERON

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm