Saudi Arabia bỏ án tử hình vụ ám sát man rợ nhà báo Khashoggi

Tòa án Saudi Arabia hôm 7-9 đã loại bỏ năm bản án tử hình trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi gây tranh cãi toàn cầu vào năm 2018, theo đài Channel News Asia.

Vào tháng 10-2018, nhà báo Jamal Khashoggi - một thành viên hoàng gia từng nhận nhiều chỉ trích - đã bị giết và phân xác thành nhiều mảnh tại lãnh sự quán của Saudi Arabia ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Vụ án đã gây ra làn sóng phản đối toàn cầu và làm hoen ố danh tiếng quốc tế của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Trong phiên xét xử kín vào tháng 12-2019, tòa án đã kết án tử hình đối với năm người và tuyên án tù tổng cộng 24 năm với ba người khác liên quan tới vụ án.

Người dân cầm tấm ảnh với dòng chữ "Công lý cho ông Jamal". Ảnh: DEUTSCHE WELLE

Tuy nhiên, bản án chính thức hôm 7-9 đã được giảm nhẹ, bao gồm cả sự khoan hồng cho năm người nhận án tử hình nhờ sự ân xá từ các con trai của ông Khashoggi.

"Năm người bị kết án 20 năm tù, một người bị kết án 10 năm và hai người khác là bảy năm" - cơ quan báo chí chính thức của Saudi Arabia cho biết.

"Sự nhạo báng của công lý"

Bà Hatice Cengiz - vị hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ của nhà báo Khashoggi - nói rằng phán quyết là một "trò hề".

"Phán quyết được đưa ra hôm nay ở Saudi Arabia là sự nhạo báng đối với công lý" - bà Cengiz viết trên mạng xã hội Twitter.

Ông Khashoggi và bà Cengiz. Ảnh: CBS NEWS

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Agnes Callamard đã nhấn mạnh phán quyết này là "một hành động như trò chế nhạo của công lý".

"Các phán quyết này không có tính hợp pháp về mặt pháp lý hay đạo đức. Chúng là kết quả của một quá trình không công bằng và không minh bạch" - bà Callamard viết trên Twitter.

Bà Callamard cũng chỉ trích rằng trong thực tế, "các quan chức cấp cao" đứng sau vụ giết người đã "được thả tự do ngay từ đầu", và Thái tử Mohammed vẫn được bảo vệ trước "bất kỳ hình thức giám sát nào".

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7-9 cho biết phán quyết của tòa án Saudi Arabia không đáp ứng được kỳ vọng quốc tế.

"Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với thi thể của ông Khashoggi, hay là bất cứ thông tin nào về người chủ mưu và hỗ trợ trong vụ ám sát. Điều này gây nghi ngờ về độ tin cậy của thủ tục pháp lý" - giám đốc truyền thông văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun bày tỏ.

Ông Altun cũng kêu gọi các nhà chức trách Saudi Arabia hợp tác với cuộc điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ về vụ giết người.

"Chiếc đinh cuối cùng trong quan tài"

Vào tháng 12-2019, tòa án Saudi Arabia đã miễn tội cho hai phụ tá hàng đầu của Thái tử Mohammed có liên quan trong vụ giết người - phó giám đốc tình báo Ahmed al-Assiri và sa hoàng Saud al-Qahtani của tòa án hoàng gia. Cả hai người đều là một phần vòng tròn các mối quan hệ chặt chẽ của Thái tử Mohammed và đã chính thức bị sa thải sau vụ việc.

Biểu tình chống lại Thái tử Mohammed bin Salman sau cái chết của ông Khashoggi. Ảnh: AFP

Bà Ines Osman - giám đốc Nhóm Quyền MENA trụ sở tại TP Geneva (Thụy Sĩ) -nói với hãng thông tấn AFP rằng bản án này là "chiếc đinh cuối cùng trong quan tài", và vụ án bây giờ đã chính thức khép lại.

“Ngay từ đầu, Saudi Arabia không bao giờ có ý định buộc những người có trách nhiệm phải giải trình mà chỉ có nỗ lực lặp đi lặp lại để che đậy nó" - bà Osman nói.

Tổng thư ký Christophe Deloire của tổ chức Phóng viên không biên giới cũng lên án phán quyết này, nói rằng phiên tòa mờ ám "không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của công lý".

Vào năm 2019, tờ The Washington Post đưa tin rằng các con của ông Khashoggi đã nhận được những ngôi nhà trị giá hàng triệu USD và hàng tháng đều được chính quyền cung cấp hàng ngàn USD.

Tuy nhiên, ông Salah - một trong những người con trai của ông Khashoggi - bác bỏ thông tin về bất cứ cuộc dàn xếp tài chính nào với chính phủ Saudi Arabia.

Phía Saudi Arabia cho rằng vụ giết người thực chất là một hành động "lừa đảo", kiên quyết phủ nhận cáo buộc của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về việc Thái tử Mohammed có liên quan tới vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm