Sau vụ Snowden, al-Qaeda thay đổi cách liên lạc

Ngày 25/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông Snowden vẫn quanh quẩn ở khu vực quá cảnh của một sân bay ở Mátxcơva (trong ảnh: Người dân Hong Kong căng băng-rôn ghi dòng chữ “Cứu Snowden, cứu tự do”). Ảnh: AP
Ngày 25/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông Snowden vẫn quanh quẩn ở khu vực quá cảnh của một sân bay ở Mátxcơva (trong ảnh: Người dân Hong Kong căng băng-rôn ghi dòng chữ “Cứu Snowden, cứu tự do”). Ảnh: AP.

Các quan chức Mỹ không tiết lộ việc liệu các phần tử khủng bố đã thay đổi tài khoản email, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại hay có kỹ thuật mã hóa gì mới, nhưng một nghị sĩ Mỹ nói rằng, chi nhánh al-Qaeda ở Yemen và bán đảo Ả-rập là những nhóm đầu tiên thay đổi cách thức liên lạc.

Không lâu sau khi ông Snowden tiết lộ tài liệu về chương trình giám sát bí mật của NSA, nhiều phòng chat và trang web được các phần tử cực đoan sử dụng để dạy cách tránh bị NSA phát hiện, như không đăng số điện thoại thật, đưa ra một số phần mềm tránh bị theo dõi địa điểm nơi đặt máy tính…

NSA phải bắt đầu lại quá trình theo dõi đối tượng, vì các phần tử khủng bố có nhiều cách mới để liên lạc với nhau, ông M.E. Bowman, cựu quan chức tình báo và cố vấn của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nói.

Việc các nhóm khủng bố quay sang giao tiếp mã hóa có thể làm chậm quá trình theo dõi của NSA, nhưng theo tài liệu mật của NSA mà báo The Guardian đăng tải gần đây, NSA xem xét bất kỳ giao tiếp mã hóa nào giữa một người nước ngoài mà họ đang theo dõi với người đang ở Mỹ, nhằm tìm ra cách giải mã.

Số phận Snowden phụ thuộc rau, hoa


Trong khi ông Snowden vẫn mắc kẹt ở Mátxcơva và Mỹ tìm mọi cách đưa ông này về nước, nhiều người dân Ecuador bắt đầu nhận ra rằng, mối ràng buộc kinh tế sâu sắc giữa đất nước nhỏ bé của họ với Mỹ có thể khiến họ bị tổn thất nhiều nhất, nếu chào đón người đã tiết lộ thông tin tuyệt mật của NSA.

Chính phủ cánh tả của Tổng thống Ecuador Rafael Correa gần như vẫn im lặng trước thỉnh cầu xin tị nạn chính trị của ông Snowden. Các nhà phân tích Ecuador nói rằng, số phận của ông này, hay ít nhất là liệu có đến Ecuador một cách an toàn hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng xuất khẩu rau và hoa đông lạnh, thay vì những vấn đề về tự do ngôn luận và chống khủng bố quốc tế.

Văn phòng Tổng thống và các cơ quan Chính phủ Ecuador từ chối bình luận về ông Snowden, chỉ nói rằng họ không biết ông này đang ở đâu, đang sử dụng giấy tờ gì để đi lại.
Khác với Trung Quốc, Nga hay Cuba, những nước mà Mỹ có ít công cụ để ép giao trả ông Snowden, Ecuador có thể nhanh chóng bị chính quyền Barack Obama đánh thẳng vào túi tiền bằng cách từ chối giảm thuế cho hoa, atisô và súp lơ, tương đương doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm cho đất nước mà một nửa kim ngạch ngoại thương phụ thuộc vào Mỹ.

Theo các nhà phân tích, bị Mỹ từ chối không có nghĩa là nền tài chính Ecuador sẽ bị tàn phá, vì nước này đang phát triển khá bền vững những năm gần đây nhờ tài nguyên đất. Quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc có thể giúp chính phủ Ecuador đỡ cảm thấy dễ bị tổn thương hơn. Nhưng các nhà phân tích và chính trị gia cho rằng, nguy cơ tổn thất kinh tế có thể làm thay đổi tính toán chính trị của Tổng thống Correa - người theo đường lối cực tả thực dụng.

Chính quyền Mỹ dự kiến trong thứ 2 tuần tới sẽ quyết định có trao quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Ecuador hay không. Hạn chót được đặt ra trước khi xảy ra vụ Snowden, nhưng đây lại là thời gian thuận lợi cho Mỹ.

Bên cạnh đó, hiệp định thương mại cho phép giảm thuế cho hơn 5 tỷ USD doanh thu xuất khẩu hằng năm của Ecuador sang Mỹ sẽ hết hạn ngày 21/7. Ecuador đang tích cực vận động hành lang để được Mỹ gia hạn.

Trúc Quỳnh Tổng hợp (Tiền phong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm