Sau phản ứng COVID-19, tới chương trình vaccine của WHO bị soi

Sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, song song phản ứng dập dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn lập chương trình Covax với nhiệm vụ phân phối công bằng vaccine ngừa bệnh đến các nước nghèo. Cùng thành lập Covax với WHO còn có Liên minh vaccine toàn cầu GAVI và Liên minh toàn cầu chống đại dịch CEPI.
Covax là chương trình lớn quy mô toàn cầu nhằm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân các nước nghèo và thu nhập trung bình khắp thế giới. Mục tiêu của Covax là phân phối ít nhất 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021 nhằm phủ sóng tiêm chủng cho 20% dân số ở 91 nước nghèo, chủ yếu ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, theo một số tài liệu nội bộ hãng tin Reuters thu thập được và công bố ngày 16-12, thực chất chương trình Covax còn nhiều bất cập và sẽ không thể thực hiện được mục tiêu này ít nhất tới năm 2024.
Cụ thể, theo các tài liệu, Covax vẫn đang vật lộn với nhiều khó khăn: Thiếu tiền, rủi ro cung ứng cùng nhiều điều phức tạp khác. Theo tài liệu, vì các bất cập này mà người dân các nước nghèo có thể sẽ chưa tiếp cận được vaccine COVID-19 cho tới năm 2024.
Trong hai ngày (từ 15 đến 17-12), ban lãnh đạo GAVI - một liên minh gồm các chính phủ, các công ty dược, các tổ chức tài trợ và các tổ chức quốc tế sắp xếp các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu - đã họp bàn về các thông tin nội bộ Covax. Trước kỳ họp này, GAVI có công bố một báo cáo, trong đó liên minh này thừa nhận rủi ro Covax thất bại là “rất cao”. Theo GAVI, các bất cập mà Covax đối mặt có một phần nguyên nhân vì chương trình này được lập quá nhanh, hoạt động quá vội.
Thậm chí tới cả TS Katherine O’Brien, Giám đốc chương trình tiêm chủng, vaccine và sinh học của WHO, cũng thừa nhận nỗ lực phân phối vaccine một cách công bằng thông qua Covax khó mang lại hiệu quả như mong muốn.
Covax đã làm được gì?
Theo tài liệu, tới thời điểm này Covax xác nhận chỉ ký thỏa thuận ràng buộc pháp lý mua 200 triệu liều từ Công ty vaccine Serum Institute Ấn Độ, trong số này có 100 triệu liều sản xuất theo công thức của ĐH Oxford/AstraZeneca (Anh) phát triển, 100 triệu liều còn lại theo công thức của Novovax (Mỹ). 
Bên cạnh đó, Covax cũng đạt được một số thỏa thuận cung ứng không mang tính ràng buộc với các hãng dược AstraZeneca, Novavax (Mỹ), Sanofi (Pháp) với tổng cộng 400 triệu liều và có thể sau đó sẽ đặt thêm vài trăm triệu liều nữa. Tuy nhiên, tiến trình thử nghiệm của cả ba hãng dược này đều chậm và có thể lịch được xem xét phê duyệt phải lùi đến nửa cuối năm 2021 hoặc lâu hơn nữa.
Nhìn chung kế hoạch của Covax phụ thuộc vào các loại vaccine rẻ tiền mà đến lúc này chưa được chứng nhận, chứ không phải các loại vaccine hàng đầu như của Pfizer/BioNTech hay Moderna vốn sử dụng công nghệ đắt tiền hơn. Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được triển khai tiêm ở Mỹ và một số nước giàu khác như Anh, Canada, còn vaccine của Moderna dự kiến sẽ được Mỹ phê duyệt đưa vào sử dụng trong tuần này.
Tiêu điểm
12

tỉ liều vaccine COVID-19 dự kiến sẽ được ngành công nghiệp dược sản xuất trong năm tới nhưng có đến 9 tỉ liều đã được các nước giàu đặt sẵn, theo giám đốc y tế toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới Arnaud Bernaert.
Ngày 15-12, một quan chức cấp cao của WHO cho biết tổ chức này đang đàm phán để Pfizer/BioNTech và Moderna chịu cung cấp vaccine của mình với giá rẻ hơn cho Covax để phân phối cho các nước nghèo. hiện tại, giá vaccine Pfizer/BioNTech ở mức 19-20 USD/liều, của Moderna ở mức 25-37 USD/liều.
Về tài chính, Covax sẽ phải có 7 tỉ USD để thực hiện được mục tiêu phân phối vaccine đến 20% dân số 91 nước nghèo vào năm sau (nếu giá vaccine cao hơn dự tính và thời gian kéo dài hơn thì số tiền cần sẽ phải nhiều hơn). Trong số 7 tỉ USD này, hiện Covax mới chỉ huy động được 2,1 tỉ USD. Covax định ra trái phiếu vaccine nhắm mục tiêu huy động 1,5 tỉ USD trong năm sau, nếu các nhà tài trợ đồng ý.
Hiện Anh và các nước Liên minh châu Âu là những nhà tài trợ chính cho Covax, bên cạnh các nhà tài trợ tư nhân như quỹ Bill and Melinda Gates Foundation. Mỹ và Trung Quốc không có cam kết hỗ trợ nào. Ngân hàng Thế giới và các thể chế tài chính đa quốc gia khác đề nghị các khoản vay lãi suất thấp giúp các nước nghèo có tiền mua vaccine thông qua Covax.

Những liều vaccine COVID-19 đầu tiên của Pfizer/BioNTech được phân phối đến TP Louisville, bang Kentucky (Mỹ) đầu tuần này. Ảnh: GETTY IMAGES

Rủi ro của Covax
Tháng trước, GAVI đã thuê tập đoàn tài chính Citigroup tư vấn cho Covax cách giảm nhẹ rủi ro tài chính. Trong một văn bản nội bộ đề ngày 25-11 trong số tài liệu trình lên ban lãnh đạo GAVI, các nhà cố vấn Citigroup nhận định rủi ro lớn nhất của chương trình này xuất phát từ các điều khoản trong các hợp đồng cung ứng, vốn cho phép các nước không phải mua vaccine đã đặt qua Covax. Nói cách khác, các nước vẫn có thể từ chối mua vaccine đã đặt trước từ Covax nếu ưng ý loại vaccine khác, hay xoay xở mua được vaccine qua các kênh khác một cách nhanh hơn với giá rẻ hơn.
Chuyện này đã xảy ra. Lo Covax sẽ không cung ứng kịp vaccine, một số nước đang phát triển đang tìm kiếm các thỏa thuận riêng. Đầu tháng này, đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương thông báo từ bỏ cam kết với Covax và sẽ nhận vaccine do Mỹ hỗ trợ. Một số nước thu nhập thấp và trung bình khác, trong đó có Malaysia, Peru, Bangladesh vẫn cam kết với Covax nhưng gần đây cũng thực hiện kế hoạch B là ký một số thỏa thuận mua vaccine với các hãng dược. Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Nam Phi nói tham gia Covax chỉ là bước đệm trong thời gian nước này chờ ký các thỏa thuận song phương với các hãng dược.
Covax cũng có rủi ro bị các nước chây lỳ trả tiền đặt mua vaccine. Và trong trường hợp miễn dịch cộng đồng xuất hiện quá nhanh thì xem như vaccine không còn cần thiết nữa. Vì vậy, Citigroup đề xuất một chiến lược giảm thiểu các rủi ro này thông qua việc thay đổi các điều khoản trong hợp đồng cung ứng.•
Có thể nói trong khi con đường thoát khỏi đại dịch COVID-19 dường như đang dần rõ với các nước giàu phương Tây thì với các nước nghèo, con đường này vẫn còn dài và khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh châu Phi John Nkengasong chỉ trích các nước phương Tây gom vaccine “quá mức họ cần trong khi chúng tôi ở châu Phi đang phải khó khăn với nỗ lực của Covax”. Chẳng hạn, Canada mua tới gần 200 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, nhiều hơn số cần thiết để tiêm cho 38 triệu dân số mình tới năm lần.
Nam Phi và Ấn Độ đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới từ bỏ một số quy định về quyền sở hữu tài sản trí tuệ, tạo điều kiện cho các hãng dược ở các nước nghèo sản xuất vaccine COVID-19 (theo công thức các hãng dược, công ty công nghệ sinh học các nước giàu phát triển). Tuy nhiên, nhiều nước giàu không sẵn lòng.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại việc không bảo vệ kịp thời người dân ở các nước đang phát triển sẽ tạo ra một khu vực an toàn cho virus ẩn náu và có thể bùng phát một đại dịch mới bất cứ lúc nào. Theo thông tin từ Reuters thì một số nước giàu đang có ý định quyên góp vaccine COVID-19 cho các nước nghèo nhưng không rõ có thông qua Covax hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm