Sau Mỹ, tới lượt EU tính toán kế hoạch 'đấu' Vành đai - Con đường của Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm công bố khuôn khổ đầu tư mới cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD), để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc (TQ), tờ Nikkei Asia đưa tin hôm 15-11.

Theo tài liệuNikkei Asia tiếp cận được, EU đang xem xét dự thảo “Chiến lược châu Âu về các đối tác cửa ngõ toàn cầu” tập trung vào xây dựng tính bền vững, cũng như tôn trọng các giá trị chung của EU, trong các mối quan hệ giữa khối này với các đối tác.

Khuôn khổ chiến lược này sẽ tập trung vào năm lĩnh vực là chuyển đổi số, chuyển đối năng lượng sạch, giao thông vận tải, kết nối con người, cùng với thương mại và chuỗi cung ứng linh hoạt. 

EU mong muốn các quan hệ "đối tác cửa ngõ toàn cầu" sẽ  giúp gia tăng tính bền vững và thức đẩy các giá trị châu Âu. Ảnh: NIKKEI ASIA

“Các khoản đầu tư này phải toàn diện, an toàn và bền vững, với mục đích đưa các quốc gia, xã hội và con người đến gần nhau hơn, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số và song song với ‘chuyển đổi xanh’ phù hợp với các giá trị của EU”, Nikkei Asia dẫn một đoạn bản dự thảo.

Nguồn vốn cho sáng kiến mới sẽ do ngân sách chung EU, 27 quốc gia thành viên và các định chế đầu tư đóng góp. Ngoài ra, EU cũng mong muốn tìm kiếm thêm nguồn vốn qua khuôn khổ đầu tư mới của khối mang tên Quỹ Phát triển bền vững châu Âu mở rộng (EFSD+).

Một đại diện của Hội đồng châu Âu xác nhận rằng 27 quốc gia thành viên đang xem xét dự thảo này, song lưu ý rằng EU chưa thể bình luận chi tiết về vấn đề này. Chưa có thông tin về thời điểm bản kế hoạch sẽ được công bố chính thức.
Trọng tâm ở AĐD-TBD, hoài nghi về các khoản đầu tư TQ
Các dự án của EU cũng xem xét nhiều tới yếu tố địa lý của khu vực nhận đầu tư. Bản dự thảo đặc biệt lưu ý tới AĐD-TBD, với định hướng tập trung vào kết nối số hóa trong quá trình EU tăng cường quan hệ với khu vực. EU cũng mong muốn thúc đẩy các quy định về trí tuệ nhân tạo trong quan hệ với khu vực.
Đặc biệt, 27 nước châu Âu cũng sẽ khai thái quan hệ đối tác kết nối tiềm năng với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tương tự mối quan hệ mà EU đã có với Nhật hay với Ấn Độ.
Sáng kiến hạ tầng này được đưa ra trong giai đoạn EU đẩy mạnh thực hiện các chiến lược mới được tuyên bố gần đây liên quan tới quan hệ với AĐD-TBD.

EU cũng thể hiện sự hoài nghi trước mô hình đầu tư hạ tầng của TQ và mong muốn đưa ra một lựa chọn thay thế “minh bạch” các các quốc gia muốn phát triển bền vững.

Một số quốc gia ở Đông Âu và Tây Balkan đang đối mặt với vấn đề lớn từ các đầu tư trong khuôn khổ BRI của TQ. Hồi tháng 4 năm nay, Montenegro đã yêu cầu EU giúp đỡ để có thể thanh toán 1 tỉ USD (hơn 22.600 tỉ đồng) khoản nợ liên quan tới một dự án đường cao tốc do TQ đầu tư.

Trước EU, Mỹ đã dẫn đầu nỗ lực của nhóm G7 đưa ra dự án hạ tầng mang tên “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W). B3W cũng được kỳ vọng sẽ là đối trọng của BRI, trở thành một giải pháp thay thế và giúp lan tỏa các giá trị, tiêu chuẩn và phong cách kinh doanh của phương Tây. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm