Sau EU, Mỹ áp đặt trừng phạt 8 quan chức Belarus ​

Theo hãng tin Sputnik, Bộ Tài chính Mỹ ngày 2-10 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tám quan chức cấp cao của Belarus với cáo buộc gian lận bầu cử và sử dụng bạo lực kéo dài đối với người biểu tình.

Các quan chức Belarus bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Yuri Karayev, phó chỉ huy quân đội nội bộ thuộc Bộ Nội vụ Khazalbek Atabekov, chỉ huy cảnh sát chống bạo động OMON Dmitry Balaba và những quan chức khác.

Mỹ cũng đưa ra các lệnh hạn chế cá nhân đối với người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Trung ương Alena Dmukhayla.

Động thái trên được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) hôm 2-10 quyết định áp đặt lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với khoảng 40 quan chức Belarus.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của EU không bao gồm Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Belarus có thể sẽ bị thêm vào danh sách nếu ông không thiết lập được kênh "đối thoại" với người dân Belarus.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: SPUTNIK

Giám đốc đối ngoại EU Josep Borrell cho biết EU có thể sẽ "áp đặt các biện pháp hạn chế hơn" đối với Belarus "nếu tình hình không được cải thiện" và quyền tự do cũng như quyền bầu cử tự do và công bằng không được tôn trọng.

Đáp trả các lệnh trừng phạt của EU, Bộ Ngoại giao Belarus hôm 02-10 cho biết Minsk sẽ đưa ra danh sách các quan chức EU bị cấm nhập cảnh vào nước này bắt đầu từ ngày 02-10. Tuy nhiên, phía Belarus cho biết họ sẽ không công khai danh sách này. 

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Belarus lưu ý rằng họ sẽ phải xem xét lại khả năng tồn tại quan hệ ngoại giao với EU trong bối cảnh các hạn chế mới.

Belarus cũng sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Anh và Canada nhằm đáp lại các lệnh trừng phạt trước đó của hai nước này nhắm vào các quan chức Belarus bao gồm cả ông Lukashenko.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng các lệnh trừng phạt của EU là "biểu hiện của sự yếu kém", đồng thời nhắc lại quan điểm "rất, rất tiêu cực" của Moscow về các lệnh trừng phạt nói chung.

Phía Đức ngày 2-10 thông báo Thủ tướng Angela Merkel sẽ gặp nhân vật đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya vào ngày 6-10. Trước đó, ông Macron ngày 29-9 đã gặp bà Tikhanovskaya tại thủ đô Vilnius (Lithuania).

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi cuối tháng 9, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei đã cáo buộc một số quốc gia phương Tây đang cố gắng gây bất ổn tình hình ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã nhiều lần chỉ trích cơ quan thực thi pháp luật Belarus vì sử dụng bạo lực quá mức trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình

Đáp lại, Tổng thống Lukashenko ngày 15-7 đã đề nghị các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu giải quyết các vấn đề của riêng họ, chẳng hạn như các cuộc biểu tình Gilets Jaunes ở Pháp, hoặc các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát ở Mỹ, trước khi "chỉ tay và nói với [Belarus] làm thế nào để sống".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm