Sau chính biến, Myanmar sẽ xích gần hơn với Trung Quốc?

Tờ Asia Times hôm 4-2 đưa ra nhận định rằng khi tình hình chính biến tại Myanmar lắng xuống, nhiều khả năng chính quyền quân sự mới ở Myanmar sẽ "thân" với Bắc Kinh hơn.

Mỹ-Trung phản ứng trái chiều về chính biến Myanmar

Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhanh chóng lên tiếng đe dọa áp trừng phạt lên những cá nhân và đối tượng liên quan đến quân đội Myanmar thì Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn trong phát ngôn.

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Aung Shine Oo/AP

Trong buổi họp báo hôm 1-2, diễn ra ngay sau khi quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh “đã lưu ý những gì xảy ra ở Myanmar và đang tìm hiểu thêm về tình hình”.

Ông Uông kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar “giải quyết những khác biệt theo khuôn khổ hiến pháp và luật pháp để bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội”. 

Trái lại, Mỹ “lên án [cuộc chính biến] bằng những ngôn từ mạnh nhất có thể” và chỉ trích các lãnh đạo quân đội Myanmar đã phớt lờ “nguyện vọng của người dân”.

Ông Biden gọi chính biến ở Myanmar là một “cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và pháp quyền”. Đồng thời ông kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng chung tiếng nói để gây áp lực yêu cầu quân đội Myanmar ngay lập tức từ bỏ quyền lực.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định những sự kiện sau cuộc chính biến có thể gây ra “những hạn chế nhất định” đối với chính phủ Myanmar.

Mỹ tuyên bố ngưng hỗ trợ cho chính phủ Myanmar. Vào năm ngoái, Mỹ đã viện trợ tổng cộng 150 triệu USD cho Myanmar. Theo các nhà quan sát, rất ít trong số tiền viện trợ bị ảnh hưởng vì phần lớn các hỗ trợ này đều đến các kênh phi chính phủ và tổ chức xã hội dân sự.

Tương tự các sự kiện trước đó ở Myanmar, bao gồm cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya đã bị phương Tây lên án mạnh, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không chỉ trích chính quyền quân sự Myanmar trong chính biến lần này. Đây là điều gần như chắc chắn thậm chí khi những định hướng và chính sách mới của chính quyền mới phần nào làm ảnh hưởng tới lợi ích và các dự án đang triển khai ở Myanmar của Bắc Kinh.

Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang lo lắng về tương lai của những cam kết và thỏa thuận được ký kết dưới thời chính phủ của bà Aung San Suu Kyi.

Từ “thoát Trung” đến “thân Trung”

Trước chính biến, Bắc Kinh có mối quan hệ thân thiết với bà Suu Kyi và đảng NLD của bà vì các nhà hoạch định chính sách và các tập đoàn kinh doanh nhận thấy chính quyền dân sự dễ dàng thỏa thuận hơn là quân đội Myanmar (còn gọi là Tatmadaw) trung thành với chủ nghĩa dân tộc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (trái). Ảnh: Thet Aung/AFP

Chính phủ Myanmar trước đó, sau một quá trình chuyển đổi dân chủ dần dần từ cuộc bầu cử năm 2012, đã tiến hành những cải cách nhất định hướng tới sự cởi mở và đầu tư từ phương Tây để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi phương Tây quay lưng với chính phủ Myanmar vì cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya giai đoạn 2016-2017, bà Suu Kyi, một chính trị gia cần sự hỗ trợ từ nước ngoài để thực hiện những cam kết về tiến bộ kinh tế, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngả về phía Bắc Kinh.

Myanmar chính thức gia nhập Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) khi bà Suu Kyi tham gia diễn đàn Hợp tác Quốc tế tại Bắc Kinh vào tháng 5-2017.

Hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ để xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC) vào năm 2018 nhằm tăng cường quan hệ song phương trong khuôn khổ BRI.

Trước chính biến, Trung Quốc đã có một số dự án quan trọng trên lãnh thổ Myanmar, điển hình như tuyến đường sắt nối thị trấn biên giới Ruili của Trung Quốc với thành phố Mandalay của Myanmar, cảng biển nước sâu do Trung Quốc tài trợ ở Kyaukpyu, đây đồng thời cũng là cửa ngõ cho tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt đi vào tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Do đó, khả năng cao Bắc Kinh sẽ không mạo hiểm, thậm chí là những vấn đề nhỏ nhất, trong quan hệ với Myanmar. 

Đối với Trung Quốc, Myanmar là láng giềng duy nhất, thông qua CMEC, cung cấp khả năng tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương cho thương mại, đồng thời tạo ra một con đường thay thế Eo biển chiến lược Malacca cho việc vận chuyển nhiên liệu từ vùng Trung Đông.

Chính sách cây gậy và củ cà rốt của Trung Quốc với Myanmar

Tổng Tư lệnh quân đội kiêm Lãnh đạo Nhà nước Myanmar - tướng Min Aung Hlaing được biết đến là một nhân vật thận trọng với sự bá quyền của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thống tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: Thet Aung/AFP

Trong những năm 1900 và đầu những năm 2000, Trung Quốc là nguồn cung cấp vũ khí và các trang thiết bị quân sự cho Myanmar trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy. Thế nhưng gần đây, quân đội Myanmar đã đa dạng hóa các nguồn mua vũ khí để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đến Myanmar vào cuối tháng 1 vừa qua, quốc gia Đông Nam Á này đã ký thỏa thuận mua các hệ thống súng và tên lửa phòng không Pantsir-S1, radar và các máy bay do thám không người lái Orlan-E10 do Nga sản xuất.

Trước đó, Myanmar cũng đã mua các máy bay chiến đấu MiG-29 cũng như trực thăng, hệ thống tên lửa phòng không, radar và pháo của Nga.

Thỏa thuận trên là kết quả của việc quân đội Myanmar nhận định các nhóm nổi dậy bằng cách này hay cách khác đã mua vũ khí từ Trung Quốc để chống lại họ.

Ở một diễn biến khác, Trung Quốc cùng với Nga liên tục ngăn chặn nỗ lực đưa ra bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Myanmar, bao gồm vấn đề nhân quyền, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điển hình là những ngày gần đây, Trung Quốc đã phủ quyết một tuyên bố lên án chính biến Myanmar do Anh soạn thảo. Đây chính là động thái mở đầu cho quá trình can dự với chính quyền quân sự mới.

Một nguồn tin nội bộ Myanmar cho biết, mặc dù tướng Min Aung Hlaing nghi ngờ về vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ các nhóm nổi dậy nhưng ông đã nhận ra rằng Trung Quốc là cường quốc nước ngoài duy nhất có thể dựa vào sau cuộc chính biến.

“Người bạn thực sự”

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự xích lại gần Trung Quốc là việc Tướng Min Aung Hlaing bổ nhiệm Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin.

Ngoại trưởng Vương Nghị và ông Wunna Maung Lwin. Ảnh: XINHUA

Ông Wunna Maung Lwin, cựu tướng lĩnh quân đội, từng giữ chức Ngoại trưởng Myanmar giai đoạn 2011-2016 dưới thời Tổng thống Thein Sein, đồng thời cũng là người chỉ đạo từng bước mở cửa đất nước. Ông được biết đến với lập trường chống phương Tây và thân Trung Quốc.

Ông Maung Lwin trên cương vị Ngoại trưởng Myanmar lúc đó đã nhiều lần đến thăm Trung Quốc và là người đầu tiên xác nhận về “hành lang kinh tế” Trung Quốc trên lãnh thổ Myanmar.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8-2015, truyền thông Trung Quốc đã dẫn lời ông Maung Lwin rằng “Myanmar cảm ơn Trung Quốc” vì những hỗ trợ nhân đạo và “Myanmar trân trọng Trung Quốc như một người bạn thực sự”.

Và bây giờ, ông Maung Lwin đã quay lại, có lẽ “tình bạn” giữa ông với các quan chức Trung Quốc sẽ trở nên bền chặt hơn khi phương Tây đang xem xét các lệnh trừng phạt đối với quân đội Myanmar.

Một lần nữa, Trung Quốc sẵn sàng trở thành “người bạn thực sự” đối với Myanmar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm