Sau B-52, tàu sân bay sẽ đến Hàn Quốc

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin Mỹ và Hàn Quốc đang xem xét tháng tới sẽ triển khai tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đến Hàn Quốc để đáp trả CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6-1. Tàu đang neo đậu tại cảng Yokosuka của Nhật.

Ngoài ra, quân đội hai nước cũng dự kiến sẽ tập trận chung sớm hơn trong khuôn khổ cuộc tập trận Đại bàng non dự kiến vào tháng 3.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan dài 330 m, chở theo 80 máy bay với 5.400 binh sĩ.

Trước đó, sáng 10-1, Tư lệnh không quân Hàn Quốc Lee Wang-keun và người đồng cấp về không quân của hạm đội 7 Mỹ Terrence O’Shaughnessy cùng thông báo hai nước đã nhất trí triển khai một pháo đài bay B-52 đến Hàn Quốc.

Pháo đài bay B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam bay đến không phận trên căn cứ không quân Mỹ Osan ở Pyeongtaek cách thủ đô Seoul 55 km.

Máy bay B-52 được hai máy bay tiêm kích F-15K của Hàn Quốc và hai máy bay F-16 của Mỹ hộ tống.

Đây là biện pháp thứ hai trả đũa CHDCND Triều Tiên sau khi Hàn Quốc nối lại chiến tranh tâm lý bằng loa phóng thanh ở khu phi quân sự.

Dự kiến sau khi triển khai máy bay B-52 và tàu sân bay USS Ronald Reagan, Mỹ và Hàn Quốc có thể đưa đến bán đảo Triều Tiên nhiều vũ khí chiến lược nữa như tàu ngầm lớp Ohio và máy bay tiêm kích tàng hình F-22.


Máy bay B-52 được hai máy bay Hàn Quốc hộ tống bay trên căn cứ Mỹ ở Osan (Hàn Quốc) ngày 10-1. Ảnh: AP

B-52 thường tham gia các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hằng năm nhưng ít khi xuất hiện công khai. Lần xuất hiện gần đây nhất là năm 2013 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba. Lúc đó Mỹ triển khai một pháo đài bay B-52 và một máy bay ném bom tàng hình B2.

Liên quan đến băng video đài truyền hình trung ương CHDCND Triều Tiên phát hôm 8-1 (sinh nhật nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) về sự kiện ông Kim Jong-un dự khán vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chiến lược từ tàu ngầm hôm 21-12-2015, quân đội Hàn Quốc nhận định hình ảnh được lắp ghép từ vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược năm 2015 và vụ thử tên lửa Scud năm 2014.

Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc ghi nhận trong vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược hồi tháng 5-2015, tên lửa bay ở góc 74o còn lần này tên lửa đã bay thẳng với góc 90o.

Do đó dự báo Triều Tiên có thể làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo chiến lược trong vòng ba hoặc bốn năm nữa thay vì từ bốn đến năm năm như trước kia đã dự báo.

Hãng tin Yonhap ngày 10-1 ghi nhận Trung Quốc phản đối CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân nhưng Trung Quốc cũng bày tỏ thái độ thận trọng với Triều Tiên khi tuyên bố “các nước phải tránh những hành động có thể gây căng thẳng”.

Các chuyên gia ghi nhận sắp tới Mỹ, Hàn Quốc và Nhật sẽ gây áp lực với Trung Quốc nhiều hơn để Trung Quốc thể hiện hành động cụ thể hơn nữa đối với Triều Tiên.

Dự kiến tuần tới tại Tokyo (Nhật), ba nước Mỹ, Hàn, Nhật sẽ tổ chức cuộc gặp cấp thứ trưởng Ngoại giao và cuộc gặp của đại diện ba nước tham dự vòng đàm phán sáu bên.

Với tình hình địa-chính trị hiện nay, dự báo có thể xảy ra cuộc đối đầu ba chống ba giữa một bên gồm ba nước Mỹ, Hàn, Nhật và một bên gồm Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên.

Sáng 10-1, hãng tin KCNA đưa tin hôm 6-1, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Bộ Quốc phòng chúc mừng vụ thử bom. Tại đây ông Kim Jong-un nói vụ thử bom H là “một biện pháp tự vệ trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân của đế quốc”. Đây được xem là phát biểu đầu tiên của ông sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư.

16.000 km là tầm xa nhất của máy bay B-52. Máy bay được trang bị tên lửa hạt nhân, 31 tấn bom và tên lửa, trong đó có bom chống hầm ngầm, bom chống tăng. Như vậy máy bay B-52 có thể tấn công Bình Nhưỡng ở cách xa 3.000 km.

 ________________________________________

Không quân đã sẵn sàng mọi lúc để đánh trả khiêu khích của Triều Tiên.

Tư lệnh không quân Hàn Quốc LEE WANG-KEUN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm