Sát hại đại sứ Nga nhằm phá hoại hòa bình Syria

Trao đổi với hãng tin RIA Novosti (Nga), chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) Koray Gurbuz lưu ý không phải ngẫu nhiên sự kiện một cảnh sát TNK bắn chết Đại sứ Nga Andrey Karlov lại xảy ra trước hội đàm ngày 20-12 tại Moscow giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng ba nước Nga, TNK và Iran.

Nga-Thổ hợp tác trong bất đồng

Cuộc hội đàm này rất quan trọng vì sẽ đưa ra các quyết định giải quyết tình hình Aleppo (Syria) sau khi quân nổi dậy rút đi. Vụ sát hại đại sứ Nga có thể nhằm mục đích thúc đẩy Nga và TNK nghi kỵ nhau để rồi kế hoạch hợp tác giải quyết tình hình Syria sẽ tan vỡ.

Hội đàm ở Moscow càng quan trọng hơn nữa vì sau đó Tổng thống Putin sẽ hội đàm với người đồng cấp Erdogan tại Astana (Kazakhstan).

Nga, TNK và Iran mong muốn hợp tác tìm kiếm giải pháp cho nội chiến Syria dù bất đồng với nhau về vấn đề này.

Nga và Iran muốn giữ Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục cầm quyền ở Syria. Ngược lại, TNK lại muốn ông Assad phải ra đi.

Tạp chí Slate phân tích trước Mùa xuân Ả Rập, TNK vẫn giữ quan hệ tốt với nước láng giềng Syria.

Từ năm 2011, Tổng thống TNK Erdogan lại muốn ủng hộ phe đối lập Syria để đưa người Sunni lên cầm quyền, từ đó hy vọng nâng TNK lên vị trí trung tâm ở Trung Đông.

Tuy nhiên, ván cờ đã trở nên phức tạp hơn khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố thành lập vào tháng 6-2014 và tổ chức Các Lực lượng dân chủ Syria (FDS) của người Kurd và Ả Rập ra đời vào tháng 10-2015 để đánh IS. Cùng lúc đó Nga đưa quân nhảy vào nội chiến Syria.

Song song theo đó, nội bộ TNK lại ngày càng trở nên rối. Tháng 6-2015, đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan mất thế đa số sau bầu cử Quốc hội. Rồi đến tháng 7-2016, đảo chính hụt xảy ra.

Hung thủ Mevlut Mert Altintas vung vẩy súng sau khi bắn ngã Đại sứ Nga Andrey Karlov. Ảnh: AP

Hai bên Nga-Thổ cùng có lợi

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Erdogan nhận thấy bắt tay với Nga có lợi hơn bởi ông hy vọng với chiêu bài “có đi có lại”, Nga sẽ ủng hộ ông ngăn chặn ảnh hưởng của người Kurd.

Về phần Nga, Tổng thống Putin muốn tìm kiếm giải pháp ngoại giao trong tư thế chủ động sau khi Syria giải phóng Aleppo. Do vậy, hợp tác với TNK sẽ có lợi vì TNK giữ quan hệ với một số nhóm nổi dậy ở Syria, có thể đưa quân nổi dậy ngồi vào bàn đàm phán.

Do đó, như đánh giá của tạp chí Slate, vụ sát hại đại sứ Nga khó có thể dẫn đến xung đột Nga-TNK.

Ngay sau khi đại sứ Nga bị bắn chết, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố đây là hành vi khiêu khích nhằm hủy hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa TNK và Nga.

Cùng lúc đó, Tổng thống Putin phát biểu trên truyền hình: “Tội ác đã phạm chắc chắn là hành vi khiêu khích nhằm gây rối tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga-TNK và tiến trình hòa bình ở Syria”.

Để trấn an TNK, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định cái chết của Đại sứ Nga Andrey Karlov mang động cơ chính trị và điều then chốt là phải hiểu ai đứng sau tội ác này.

Ông khẳng định những kẻ gây ra tội ác muốn phá hoại quan hệ Nga-TNK và ngăn cản công cuộc đấu tranh chống khủng bố ở Syria.

Người phát ngôn tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố: “Trên nền tảng khiêu khích đó, điều duy nhất hợp lý mà Nga và TNK có thể làm là gần nhau hơn và đoàn kết, hành động hiệu quả chống lại những kẻ đứng sau khiêu khích này”.

Tổ công tác Bộ Quốc phòng Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ điều tra

Sáng 20-12 (giờ địa phương), tổ điều tra đặc biệt của Bộ Quốc phòng Nga gồm 18 điều tra viên, nhân viên tình báo và nhân viên ngoại giao đã sang TNK để điều tra vụ Đại sứ Nga Andrey Karlov bị bắn chết. Đây là việc hai tổng thống Nga và TNK đã nhất trí trong cuộc điện đàm tối 19-12.

Trước đó, lúc 19 giờ 5 ngày 19-12, Đại sứ Nga Andrey Karlov (62 tuổi) vừa phát biểu khai mạc cuộc triển lãm ảnh tại Ankara được vài giây thì bị hung thủ đứng sau ông vài mét bắn vào lưng nhiều phát. Sau đó, hung thủ vung vẩy khẩu súng lục và hét bằng tiếng TNK: “Bọn bay đừng quên Aleppo, đừng quên Syria. Những kẻ chịu trách nhiệm cho những ghê tởm này phải trả giá”. Rồi hắn chuyển sang tiếng Ả Rập: “Chúng tao là những người đã nguyện trung thành với đấng tiên tri và thánh chiến… Allahu Akbar”.

Hung thủ tên Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, đã tốt nghiệp học viện cảnh sát, làm việc trong đơn vị cảnh sát chống khủng bố ở Ankara gần ba năm nay. Hắn không được phân công làm nhiệm vụ tại buổi triển lãm nhưng đã sử dụng thẻ cảnh sát để vào khi máy dò kim loại phát hiện hắn đeo súng. Hắn mặc Âu phục, thắt cà vạt, đứng ngay sau đại sứ Nga nên người ta cứ tưởng hắn là cận vệ của đại sứ Nga. Hung thủ đã bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Báo TNK cho biết hung thủ có liên hệ với nhóm khủng bố Mặt trận Al Nusra.

Đại sứ Andrey Karlov được đưa đến bệnh viện lúc 19 giờ 53 phút  nhưng không qua khỏi. Ông đã có thời gian công tác tại hai miền Triều Tiên, đã lập gia đình, có một con, nói sõi tiếng Anh và tiếng Triều Tiên. Ông đến TNK vào tháng 7-2013 trong lúc Nga và TNK đang củng cố quan hệ thương mại.

Sau vụ đại sứ Nga bị bắn chết, tình hình trở nên căng thẳng ở TNK. Rạng sáng 20-12 tại Ankara, một người đàn ông nổ súng trước đại sứ quán Mỹ. Không ai bị thương. Kẻ nổ súng bị bắt. Các sứ quán Mỹ tại TNK được lệnh đóng cửa trong ngày.

TNL

________________________________

Không thể so sánh vụ đại sứ Nga bị sát hại với vụ Thái tử Áo-Hung François-Ferdinand bị một thanh niên người Serb ám sát ngày 28-6-1914 tại Sarajevo (Bosnia). Lúc đó quan hệ giữa đế chế Áo-Hung và Serbia rất căng thẳng nên Áo tuyên chiến. Còn quan hệ Nga và TNK đã nồng ấm trở lại từ mùa hè năm 2016 sau thời kỳ lạnh giá từ tháng 11-2015. Hai bên đang thắt chặt hơn nữa về các lợi ích chung kinh tế và chiến lược.

Tạp chí SLATE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm